Thứ năm 14/11/2024 10:23

Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2022: Ngành Công Thương là động lực quan trọng -Bài 2: Nhận diện và tháo gỡ các trở ngại

Sự lạc quan về sức sống, sự phục hồi và triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam không phải là cảm tính và có tính tuyên truyền, mà dựa trên cơ sở thực tế tin cậy. Song cũng còn nhiều thách thức đặt ra, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp chủ động.

Cải thiện vị trí chỉ số phục hồi Covid-19

Trước hết, Việt Nam đang dần quay trở lại với cuộc sống bình thường nhờ là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vacxin cao nhất thế giới, với trên 78% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Điều này giúp Việt Nam cải thiện 28 bậc lên vị trí thứ 90 trong bảng "Chỉ số phục hồi Covid-19" của Nikkei công bố trong tháng 1/2022. Đây là nền tảng quan trọng tạo thuận lợi để từ quý IV/2022, Việt Nam quyết đoán từng bước mở cửa, nới lỏng các kiểm soát dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế.

Đồng thời, các thành quả đạt được trong thập kỷ trước và các tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn được duy trì; lạm phát được kiểm soát, nợ công ổn định và dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục…tất cả tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài, nâng mức tăng trưởng GDP quý I/2022 lên 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020; đẩy nhanh thời gian mở cửa du lịch, tạo sự bùng nổ trở lại du khách nội địa, còn thu hút khách quốc tế cũng tăng tới tăng 89,1% trong với quý I năm 2022, so với cùng kỳ năm trước.

Nỗ lực thích ứng và khai thác các cơ hội xuất khẩu

Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực thích ứng và khai thác các cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), để mở rộng thương mại và hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy. Quí I/2022 so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 176 tỷ USD, tăng 14,4%; trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%; có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 58%). Việt Nam tiếp tục xuất siêu 809 triệu USD trong quý I/2022 và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới. Điểm đáng lưu ý là quý I/2022 đã ghi nhận sự đóng góp tích cực hơn trong tăng xuất khẩu của khu vực trong nước, cụ thể xuất khẩu của các nhóm hàng nông sản tăng khoảng 18-19%; cá biệt, cà phê, gạo, thủy sản tăng từ 38% đến gần 50%; khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu đạt 23,27 tỷ USD, tăng 22%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỷ USD, tăng 10%, chiếm 73,7%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,34 tỷ USD, tăng 17,1%; có 16 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 77 triệu USD (chiếm 7,3% tổng kim ngạch), tăng 75%; dịch vụ vận tải đạt 140 triệu USD (chiếm 13,4%), tăng 97,2%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 5,18 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2,6 tỷ USD (chiếm 49,4% tổng kim ngạch), tăng 11,3%; dịch vụ du lịch đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 20,3%), tăng 16,7%. Nhập siêu dịch vụ quý I năm 2022 là 4,13 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu là 2,1 tỷ USD). Nhập siêu dịch vụ tăng chứng tỏ các hoạt động kinh tế và giao thương quốc tế của Việt Nam tăng, đồng thời cũng cho thấy khoảng trống cần lấp đầy và cơ hội đầu tư tiềm tàng trong phát triển dịch vụ của Việt Nam, nhất là vận tải logicstics quốc tế.

Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2022: Ngành Công Thương là động lực quan trọng (Ảnh minh hoạ)

82,3% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển tốt

Cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang chủ động và linh hoạt hơn trong nắm bắt, đa dạng hóa, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín, đáp ứng nhanh và tốt hơn các nhu cầu biến đổi của thị trường, tăng cường tuyển dụng và đào tạo kỹ năng mới cho lao động, tiếp tục nhận thêm nhiều đơn hàng (tiêu biểu là ngành dệt may). Trong quý I/2022 số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Có tới 82,3% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê khảo sát lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II năm 2022 với đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I năm 2022. Nhóm doanh nghiệp số liên tục phát triển cả về lượng và chất trong thời gian qua.

Dòng vốn FDI chảy vào và thực hiện vẫn duy trì trạng thái khả quan, nhờ lợi thế vị trị địa lí của Việt Nam và di chuyển xuyên biên giới được nới lỏng, chi phí thuê nhân công ở Việt Nam thấp (bằng một phần ba ở Trung Quốc), trong khi chất lượng nguồn lực lao động ngày càng được cải thiện. Trong 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam chỉ giảm 2%, trong khi thế giới giảm 40%; Năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam không giảm; Quý I/2022, vốn FDI thực hiện đạt 4,4 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ từ năm 2018 đến nay. Trên thực tế đã và đang ghi nhận nhiều dự án FDI mới công nghệ cao (như dự án 2,2 tỷ USD vào năm 2021 của LG Display; Toshiba sẽ chuyển toàn bộ sản xuất điện tử ở Trung Quốc sang Việt Nam và Nhật Bản), hoặc các dự án cũ tiếp tục mở rộng đầu tư (như Samsung sẽ nâng cấp lên 50% năng lực sản xuất ở Việt Nam cho các thiết bị có tính năng gập lại được).

Sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp còn được củng cố nhờ môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng đươc cải thiện. Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, Chỉ số môi trường kinh doanh quý IV/2021 của Việt Nam được các doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực không chỉ nhờ thành tựu chống dịch, sớm bình thường hóa hoạt động kinh tế, mà còn vì Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021). Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm trước, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế. Năm 2021, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, xếp thứ 44, tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.

Đặc biệt, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 còn được sự cộng hưởng từ sự gia tăng các niềm tin đầu tư, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư trên cơ sở các thành quả chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng (giảm, giãn nộp thuế, tiền thuê đất, phí trước bạ, lãi suất và thời hạn trả nợ), mở rộng đầu tư công, tăng cường cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số. Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ lớn với quy mô 347000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023. Các tổ chức tín dụng tiếp tục ​​giảm lãi suất cho vay 0,5-1% và các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023, với tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2022 tăng 8,9% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt mức trên 9%, cao nhất so với quý I của các năm 2018-2022.

Cơ hội và thách thức

Lạc quan, tin tưởng và quyết tâm cao, nhưng thận trọng và quyết liệt trong chỉ đạo, Chính phủ nhận định tình hình những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và nhiều diễn biến không dự báo được, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, dự báo sát tình hình, kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, chủ động khai thác các cơ hội, nhằm triển khai có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 vừa được ban hành theo Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022; nỗ lực tạo đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính; gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số và tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1-6-2022, tại bộ phận “một cửa” cấp huyện từ ngày 1-12-2022; tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN …

Nhận diện và tháo gỡ các trở ngại

Trên thực tế, để phục hồi nhanh và tăng trưởng bền vững, Việt Nam vẫn cần chú ý nhận diện và tháo gỡ các trở ngại sự phục hồi của kinh tế, như: Phát triển mạnh theo chiều sâu và đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, nhất là các dịch vụ vận tải và logicstics cả trong nước và quốc tế; Nỗ lực “gỡ thẻ vàng” của EU; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp thương mại và cải thiện năng lực xây dựng và vượt các hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế và bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Các diễn biến phức tạp và thiếu thống nhất trong chính sách kiểm soát dịch Covid-19…

Nhận diện đầy đủ và khắc phục tình trạng tình trạng gia tăng bất bình đẳng tiền tệ và phi tiền tệ do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19; chủ động các kịch bản đối phó với khả năng tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại, nhất là khả năng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang chững lại.

Giá dầu, giá chi phí vật liệu xây dựng và lạm phát thế giới tăng cao, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu gắn với cú sốc tỷ giá thương mại do căng thẳng Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan và việc các nước phát triển tăng lãi suất làm thay đổi dòng vốn đầu tư quốc tế, khiến chi phí vốn tăng, nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu trong nước.

Việt Nam cũng cần chú ý tăng cường bộ đệm an toàn cho hệ thống tài chính, kiểm soát vốn vay bị sử dụng sai mục đích, tránh tập trung vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản; Ngoài ra, sự thận trong đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm có thể sẽ làm giảm tác động kỳ vọng đối với tăng trưởng. Việc cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, mở rộng cơ sở thu và ổn định nợ trong trung hạn, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng về vốn hóa, minh bạch về chất lượng tài sản và khuôn khổ pháp lý sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.

Hơn nữa, theo WB, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao sẽ phụ thuộc vào năng lực thể chế và khả năng chuyển đổi nhanh sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo, tập trung vào xây dựng nền kinh tế chuyển đổi số, xanh hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài; tục tục cải thiện và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tạo thêm động lực cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đồng thời, phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, mặc dù tỷ lệ nghèo được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình
  2. Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025
  3. Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 6/4/2022
  4. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố" của WB
  5. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/03/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i-nam-2022/
TS. Nguyễn Minh Phong
Bài viết cùng chủ đề: kinh tế Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo sớm: Doanh nghiệp không còn bị động trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt 10 tỷ USD

Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử Temu

Ông Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện khí LNG

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thành tích xuất nhập khẩu có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Ngành da giày cần đẩy mạnh mở rộng thị trường mới nhờ lợi thế từ các FTA

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về hàng hoá dịp cuối năm

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Cần xử phạt nghiêm minh trường hợp trục lợi từ tăng giá điện

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Xuất khẩu xanh - 'Cuộc chơi' buộc doanh nghiệp phải thay đổi mình

Bà Nguyễn Thuý Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Nhà nước không điều hành chiết khấu xăng dầu

Xây dựng hệ sinh thái ngành thủy sản - ‘chìa khóa’ giải ‘bài toán’ tăng cơ hội tận dụng FTA

Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá phải hướng đến tăng thu ngân sách bền vững

Đâu là giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024?

Ông Nguyễn Khắc Quyền: Bộ Công Thương cầu thị và trách nhiệm trong xây dựng chính sách kinh doanh xăng dầu

Xây dựng trung tâm thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển làm 'cầu nối' cho hàng Việt Nam

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu tiến dần hơn đến cơ chế thị trường

TS Lê Quốc Phương: Mục tiêu cao nhất của Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu là đảm bảo nguồn cung

Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Nguyễn Thuý Hiền nói về sửa đổi nghị định xăng dầu