Đồng Nai: Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng 3,01% so cùng kỳ
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp6 tháng đầu năm 2023 của Đồng Naităng 3,01% so cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất so với 6 tháng của nhiều năm qua do sản xuất công nghiệp, lĩnh vực chủ đạo trong nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sự sụt giảm quy mô ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu vẫn còn tiếp diễn, các doanh nghiệp đang gồng gánh để sản xuất cầm chừng, giữ chân người lao động.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina kéo dài, tình hình lạm phát, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả vật tư hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu vẫn ở mức cao,… từ đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hình minh họa |
Đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành giày da, may mặc, dệt, sản xuất sản phẩm gỗ, điện tử,… bên cạnh đó, giá điện tăng tạo thêm áp lực về chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp. Do vậy, dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 có mức tăng rất thấp so với cùng kỳ.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng 3,01% so với cùng kỳ đây là mức tăng thấp nhất so với 6 tháng của nhiều năm qua, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,02%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 2,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 3%. Các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết tăng thấp so cùng kỳ. Các ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan; Sản phẩm kim loại, sản xuất máy móc thiết bị.v.v… là những ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động chung của toàn ngành. Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 còn tiếp tục gặp khó khăn lớn, chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm đạt mức tăng so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 4,17%, Sản xuất chế biến thực phẩm 5,39%; May mặc tăng 4,5%; sản xuất hóa chất tăng 3,39%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,22%.v.v…một số ngành sản xuất khác như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5,26%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,7%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 2,76%; sản xuất thiết bị điện tăng 3%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 4,58%.v.v… Tuy nhiên mức tăng trưởng của các ngành 6 tháng thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Dự ước 6 tháng có 23/27 ngành sản xuất chỉ số tăng tuy nhiên mức tăng thấp. Một số ngành tăng trưởng thấp hoặc giảm so cùng kỳ như: Sản xuất điện tử, máy tính (-3,27%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (-5,66%); Sản xuất Giày da (+1,46%); Sản xuất dệt (+ 2,98%)…
Bên cạnh sự nỗ lực của mình, trong tình hình còn nhiều khó khăn, thời gian tới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị cơ quan, ban, ngành đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không bị gián đoạn. Đồng thời, kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm mạnh lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh kịp thời và hiệu quả.
Công nghiệp là lĩnh vực chủ lực của kinh tế Đồng Nai, chỉ tăng trưởng ở mức 2,28%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Đây là mức tăng giá trị tăng thêm thấp nhất trong 3 năm dịch bệnh và biến động của thế giới.