Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số giúp phát triển kinh tế tự chủ, thích ứng hội nhập
Chuỗi cung ứng ngành Công Thương đang thay đổi mạnh mẽ
Hội thảo chuyên đề “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, đã thu hút sự quan tâm, thảo luận của 200 đại biểu là lãnh đạo Bộ, ngành, đại sứ quán, hiệp hội và các doanh nghiệp, tổ chức trong, ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết: Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường và khó dự báo, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, tác động của các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại đã làm cho vấn đề tự cường trong phát triển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó, độc lập, tự chủ của nền kinh tế cần được xây dựng trên cơ sở cân bằng và củng cố nội lực, đồng thời phát huy, tận dụng được những cơ hội từ bên ngoài mang tới”- ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sốsẽ giúp thúc đẩy xây dựng và phát triển nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, có khả năng thích ứng cao trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, chủ đề của Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu dẫn đề hội thảo |
Tham dự và đồng chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Ở góc độ sản xuất công nghiệp, CMCN 4.0 làm thay đổi tư duy, cách thức sản xuất và tổ chức lại các chuỗi sản xuất - giá trị của các Tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên quy mô toàn cầu. Với một nền kinh tế có độ mở ngày càng cao, Việt Nam không tránh khỏi tác động của CMCN 4.0 đến các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, trong đó có các hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu từ cuối năm 2019 tới nay cũng đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng qua nhiều khía cạnh. Phản ứng phòng dịch của nhiều Chính phủ các quốc gia đã làm gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải tổ chức lại chuỗi cung ứng, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số.
Đối với Việt Nam, những thay đổi trong cách thức vận hành của nền kinh tế và thị trường toàn cầu dưới tác động của CMCN 4.0 và đại dịch Covid-19 đã mang lại cả thách thức và cơ hội cho ngành Công Thương Việt Nam. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và đẩy nhanh quá trình đổi mới, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh đó Việt Nam đã ban hành và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Hội thảo chuyên đề 3 thu hút đông đảo lãnh đạo, nhà quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp tham dự |
Tương lai chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành
Tại hội thảo chuyên đề 3, các tham luận chính tập trung bàn về các vấn đề đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như: sự phát triển của chuỗi giá trị vượt ra ngoài phạm vi hoạt động sản xuất; định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; kinh nghiệm về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chuyển đổi số và chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; trọng tâm định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; bài học kinh nghiệm thực tiễn ở doanh nghiệp sản suất nông nghiệp Việt Nam về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng…
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp trình bày tham luận tại hội thảo |
Dưới góc độ quản lý ngành, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một số xu hướng đã có từ trước diễn ra nhanh hơn, trong đó dễ nhận thấy nhất là xu hướng tự động hóa, rô-bốt hóa, và chuyển đổi số. Xu hướng này hứa hẹn những lợi ích vô cùng lớn đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày - những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù vậy cũng là thách thức không nhỏ bởi sự thiếu thông tin và hiểu biết đúng đắn về chuyển đổi số trong sản xuất, cũng như thiếu nguồn lực để thực hiện.
Ông Hoàn cho rằng, việc đơn thuần áp dụng các công nghệ số trong nhà máy không đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên chuỗi cung ứng số và tự vận hành, nó đòi hỏi có sự kết nối xuyên suốt mọi hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ việc lập kế hoạch cho đến kế hoạch thu mua, hoạt động sản xuất và logistics. Do đó, thay đổi nhận thức của người đứng đầu là thách thức lớn nhất để doanh nghiệp có thể tiếp nhận xu thế mới, hiểu đúng, làm đúng và tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng mới.
Bên cạnh đó, các xung đột thương mại gần đây, cũng như chiến tranh Nga - Ukraina đã dẫn tới nhiều hạn chế trong việc các doanh nghiệp thâm nhập và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là sự gia tăng chính sách bảo hộ của nhiều nước; xu hướng tăng chi phí vận chuyển và chi phí năng lượng trên phạm vi toàn cầu; xu hướng chững lại của các dòng FDI; xu hướng tăng chi phí nhân công ở các nước đang phát triển, nhất là những nước trước đây tận dụng lợi thế lao động rẻ để phát triển; tính bất định của những tác động mà cuộc CMCN 4.0 tạo ra đối với hệ thống sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ.
“Những phân tích ở trên cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nỗ lực tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”- ông Ngô Khải Hoàn khẳng định.
Để làm được, Cục Công nghiệp đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết một số bất cập hiện nay như: Hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực cho phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp; Sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước; Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, từ cuộc CMCN 4.0 nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Theo số liệu thống kê về xuất, nhập khẩu cho thấy, Việt Nam có vị thế khá lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành da giày, với thị phần gia tăng mạnh mẽ từ 4,1% năm 2010 lên 10,4% năm 2020. Cũng chính vì có vị thế quan trọng như vậy, nên khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp da giày tại Việt Nam phải tạm thời đóng cửa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã định vị được vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành nội thất, may mặc, điện tử, với thị phần toàn cầu của Việt Nam trong các ngành này đang ngày càng được cải thiện. |