Đôi điều tản mạn về “công nghiệp hóa”
Đây là vấn đề cực lớn và phức tạp, không dễ gì đề cập một cách toàn diện, vì vậy tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều xung quanh câu chuyện này.
1. Nên đặt vấn đề “CNH theo hướng hiện đại” hay theo cách khác? Nên lấy hệ tiêu chí thế nào?
Lâu nay, ta nêu chủ trương CNH, HĐH hay CNH theo hướng hiện đại. Điều này không có gì sai, song có lẽ nên lấy HĐH là mục tiêu bao trùm, trong đó CNH là trọng tâm thì thỏa đáng hơn.
Ta hãy tham khảo thực tiễn thế giới. Vào khoảng những năm 60-70 của thế kỷ trước, người ta hay lấy tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP làm thước đo về trình độ CNH. Sau này, các tổ chức quốc tế lớn như: Liên hợp quốc (LHQ); Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); Ngân hàng Thế giới (WB); Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)… đều lấy tiêu chí GDP tính theo đầu người kèm theo một loạt tiêu chí kinh tế-xã hội (KT-XH) khác để xếp các nước thành ba nhóm: Các nước phát triển, đang phát triển và phát triển thấp. Các tiêu chí ấy mang tính tổng hợp, phản ánh trình độ HĐH của các quốc gia chứ không riêng gì trình độ công nghiệp.
Điều này có lý, vì trong thời đại ngày nay không thể thực hiện CNH nếu các ngành, các lĩnh vực khác không hiện đại. Làm sao có thể CNH được nếu các nhân tố khác như kết cấu hạ tầng (bao gồm cả điện, nước, thông tin), khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, tài chính-ngân hàng và cả nông nghiệp… không đạt mức hiện đại? Đó là chưa kể những nhân tố “mềm” như thể chế, trình độ quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp… cũng phải đạt mức hiện đại thì mới CNH được… Nói một cách khác, không thể CNH nếu chưa HĐH KT-XH nói chung. Trên thực tế, có những nước tỷ trọng công nghiệp trong GDP rất cao, nhưng vẫn không được coi là nước phát triển (ví dụ nhiều nước khai thác dầu lửa); ngược lại, có những nước tỷ trọng công nghiệp giảm dần, thay vào đó tỷ trọng dịch vụ cao đều được coi là nước phát triển (ví dụ Thụy Sĩ, ở khu vực ASEAN là Xin-ga-po…).
Với cách đề cập như vậy, thu nhập tính theo đầu người nên được coi là tiêu chí chính đi đôi với một loạt tiêu chí KT-XH, về đại thể như LHQ và WB thường sử dụng. Điều đáng ghi nhận là các DT đã tiếp cận theo hướng này.
Nhân đây, xin nêu hai đề nghị liên quan tới số thống kê: Một là, có lẽ không nên gộp tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ vào làm một, mà nên duy trì truyền thống bóc tách cơ cấu sản xuất thành ba sản nghiệp (nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ) vì dịch vụ có đời sống riêng và nằm cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp. Ngoài ra, cách tiếp cận như vậy mới dễ so sánh với các quốc gia khác. Hai là, nên chuyển xây dựng sang lĩnh vực dịch vụ theo thông lệ quốc tế chứ không nên gộp xây dựng với công nghiệp; khi gia nhập WTO, ta đã chấp nhận cách phân loại như vậy; nếu gộp xây dựng với công nghiệp vào một chỉ tiêu thì có thể gây ra sự ngộ nhận về trình độ CNH ở nước ta và khó so sánh với các nước khác.
HĐH là quá trình không ngừng nghỉ, hôm nay là hiện đại, có thể hôm sau không còn là hiện đại nữa. Hai DT này không đặt thời hạn cố định trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là hợp lý, thay vào đó chỉ nên lấy mức thu nhập trung bình tính theo đầu người theo sức mua tương đương (PPP) làm mục tiêu phấn đấu trong từng thời kỳ.
2. Riêng về CNH thì “tiền đề” hay “nền tảng” là gì?
Đại hội VI (1986) đã từng đề ra nhiệm vụ “tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh CNH xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”. Ngày nay, sau 30 năm, DT lại nêu nhiệm vụ “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Nhân dịp này nên làm rõ nội hàm của khái niệm “tiền đề” hoặc “nền tảng” là gì? Đã xây dựng được đến đâu? Còn thiếu gì? Vì sao? Từ đó đề ra chủ trương, biện pháp đúng đắn và thực hiện ráo riết mới có thể đẩy mạnh được CNH.
Phải chăng, những nhân tố tạo nên nền tảng để CNH, HĐH là tích lũy, hạ tầng KT-XH, khoa học-công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và thể chế? Ở đây chỉ xin nhấn mạnh đôi điều.
Một là, “có bột mới gột nên hồ”, không có tích lũy ban đầu thì không thể nói gì tới CNH. Tiếc rằng, cả hai DT (và cả nhiều văn kiện đại hội trước đây) đều chưa phân tích sâu nhân tố mang ý nghĩa nền tảng này.
Nên chăng các DT cần chỉ rõ nguồn tích lũy từ đâu? Tiềm năng và thế mạnh có thực của nước ta nằm chỗ nào? Tài nguyên nước ta đa dạng nhưng trữ lượng không lớn, ngay dầu khí, than đá cũng không nhiều và đang cạn dần. Giá trị gia tăng của cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều không cao. Lực lượng lao động dồi dào, trẻ, rẻ nhưng đang có xu hướng ngày càng đắt và ngày càng già, đặc biệt trình độ tay nghề và tác phong công nghiệp còn thua kém nhiều nước, cái “quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới” là năng suất lao động như V.I.Lê-nin từng nhấn mạnh còn rất thấp, hơn nữa tốc độ gia tăng đang có xu hướng giảm dần. Trong hoàn cảnh đó, yêu cầu triệt để “tiết kiệm để CNH, HĐH”có ý nghĩa rất quan trọng.
Tiếc rằng tư tưởng này chưa được nhấn mạnh đúng mức, thậm chí bị coi là “xưa cũ”, trong khi đó trên thực tế tích lũy đã thấp nhưng ta lại tiêu xài vượt mức làm ra. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô, hạn chế chất lượng tăng trưởng, kìm hãm quá trình CNH, HĐH. Tình trạng này biểu hiện ở chỗ bội chi ngân sách của Nhà nước kéo dài và ở mức cao; nhiều khoản đầu tư không đem lại hiệu quả tương xứng, hiệu suất sử dụng thấp, thậm chí không ít công trình bỏ hoang; bộ máy cồng kềnh, trùng lắp, kém hiệu quả không làm sao có thể tinh giản được; chi thường xuyên, trong đó có khoản chi để nuôi bộ máy ngốn phần đáng kể chi ngân sách; nợ công và dịch vụ nợ tăng nhanh; các tầng lớp dân cư ít nhiều dư dật cũng đua nhau xài sang, chạy theo hàng xịn…! Kết quả là tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn tỷ lệ đầu tư so với GDP và có xu hướng giảm dần. Chi tiêu như vậy thì lấy đâu ra tích lũy để CNH, HĐH?
Mong rằng, các DT làm đậm thêm yêu cầu này và đề ra những biện pháp thiết thực để cả Nhà nước lẫn dân cư ra sức tiết kiệm, gia tăng tích lũy để CNH, HĐH. Nhân đây cũng xin đề nghị cân nhắc kỹ chủ trương duy trì bội chi ngân sách không quá 4% thay vì phấn đấu giảm bội chi ngân sách đã kéo dài quá lâu.
Hai là, các DT đều nhấn mạnh vai trò của khoa học-công nghệ như một tiền đề không thể thiếu được đối với CNH. Đã 55 năm nay kể từ Đại hội III, khoa học-công nghệ luôn được coi là “khâu then chốt”, là “quốc sách hàng đầu”; không ít nghị quyết, chiến lược, chính sách đã được đưa ra, song cho tới nay vẫn chưa “trở thành động lực phát triển KT-XH” như DT nêu.
Nghiên cứu nội dung liên quan tới khoa học-công nghệ, xin đề nghị cân nhắc thêm mấy khía cạnh:
- Nên tính lại chủ trương nêu thời hạn “cứng”: “Đến năm 2020 khoa học-công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của các nước dẫn đầu ASEAN, đến 2030 có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới” vì mục tiêu này khó hơn cả mục tiêu rượt đuổi về GDP, vả lại thiên hạ sẽ không chờ ta, chưa rõ 5-15 năm nữa họ sẽ tiến tới đâu nếu tính rằng nguồn lực của các nước đó lớn hơn ta nhiều! Nếu cần thì đưa vào văn bản điều hành, tránh đưa thành nội dung nghị quyết đại hội.
- Nước ta tiến hành CNH vào thời đại khoa học-công nghệ phát triển rất cao và rất nhanh, ta rất khó phát minh cái gì hoàn toàn mới, do đó nên chăng tập trung cao độ vào lĩnh vực khoa học ứng dụng, trong đó có việc mua bằng phát minh, sáng chế rồi cải tiến, nâng cao phù hợp với điều kiện của nước ta và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Các nền kinh tế đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… đều “đi tắt đón đầu” khá thành công bằng cách này.
Đồng thời, nên đặt cao hơn yêu cầu khuyến khích các sản phẩm mang tính sáng tạo (innovation); trong đó có việc sớm hình thành Quỹ Mạo hiểm để hỗ trợ cho những phát minh, sáng chế có giá trị và tính khả thi cao.
Ba là, điều đáng mừng là các DT đã nêu khá đậm vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngoài những ý đã nêu, nên chăng cân nhắc thêm mấy khía cạnh:
- Giải quyết vấn đề tam nông như một tiền đề cần có của quá trình CNH hay tiến hành CNH trên cơ sở nông nghiệp (agrobase-industrialisation) vì một trong những tiềm năng có thực của nước ta là nông nghiệp nhiệt đới.
- Trong cách mạng dân tộc-dân chủ, khẩu hiệu “người cày có ruộng” được nêu cao và có sức động viên mạnh mẽ. Để đi lên sản xuất lớn không thể né tránh yêu cầu tích tụ tập trung ruộng đất, vậy nên xử lý khẩu hiệu này thế nào? Thay vì còng lưng trên mảnh ruộng manh mún, nay người nông dân chuyển nhượng hẳn hoặc cho HTX hay doanh nghiệp thuê dài hạn ruộng đất, bản thân trở thành người làm công ăn lương, hay nói một cách khác là chuyển thành “công nhân nông nghiệp” có vấn đề gì không?
- Vấn đề quan hệ sản xuất ở nông thôn chưa được đề cập thật thấu đáo trong khi cuộc sống đòi hỏi có câu giải đáp thỏa đáng. Đó là những vấn đề như: Kinh tế hộ còn có thể phát huy tác dụng nữa không? Ở đâu, trong trường hợp nào? Vì sao hoạt động của các “hợp tác xã kiểu mới” chưa phát huy tác dụng cần có? Kinh tế trang trại có lúc được đề cao, nay thế nào? Ý tưởng “liên kết 4 nhà” còn vướng mắc gì…? Nhớ lại khi phát động công cuộc đổi mới, đây chính là khâu đột phá; thiết tưởng các DT nên có lời giải đáp về những vấn đề nóng hổi nói trên.
DT có nêu 3 bước CNH nhưng không làm rõ nước ta đang ở chặng nào. Phải chăng mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới bao gồm đồng thời cả 3 bước?
3. Đi lên CNH bằng con đường nào?
Đại hội VIII (1996) nêu một phương châm rất cơ bản là “chúng ta tiến hành CNH không theo kiểu cũ, không lặp lại sai lầm nóng vội, chủ quan mà Đại hội VI (1986) đã phê phán”.
Trong thời kỳ đổi mới, trên thực tế ta đã tiến hành CNH theo thể chế thị trường, kinh tế nhiều thành phần, với cơ cấu sản xuất thích hợp, hội nhập với kinh tế thế giới. Vậy đó đã phải là “không theo kiểu cũ” chưa? Nếu chưa phải hoặc chưa đủ hay chưa thật chuẩn thì các DT nên làm rõ và chỉ ra hướng làm tiếp.
Một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trên con đường CNH là chọn lựa trúng cơ cấu kinh tế. Nhìn lại 30 năm đổi mới, sự chọn lựa ngành ưu tiên (hay ngành mũi nhọn) đã trải qua nhiều cung bậc: Đại hội VI mới chọn 4 ngành ưu tiên, tới Đại hội VII chọn 17 ngành, Đại hội VIII chọn 7 ngành, Đại hội IX chọn 15 ngành, Đại hội X chọn 13 ngành và Đại hội XI chọn 11 ngành. Dự thảo lần này nêu ý tưởng phát triển có chọn lọc tới 19 ngành; đó là chưa kể 13 Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp đã được thông qua, trong đó có một số chiến lược chưa thật thành công. Kết quả là, nền công nghiệp nước ta ngành nào cũng có nhưng chưa có ngành nào có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với các nước trong khu vực chứ chưa nói tới thế giới, ngoại trừ một vài ngành gia công và một số sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong thế giới ngày nay, hầu như ngành nào thiên hạ cũng đã làm, rất khó chọn ngành nào ta có thể có lợi thế so sánh nổi trội và có tác dụng lan tỏa, lôi kéo toàn bộ nền kinh tế nói chung, nền công nghiệp nói riêng đi lên như ở các nước đi trước. Thực tế mấy chục năm qua mách bảo chúng ta tránh chọn lựa quá nhiều ngành mũi nhọn một khi chưa có sự điều tra, nghiên cứu, đánh giá dày công, tương đối chuẩn xác, chí ít là về ba phương diện: Tiềm năng và lợi thế có thực của đất nước; nhu cầu thị trường trong, ngoài nước và xu hướng phát triển của kinh tế thế giới.
Thời gian từ nay tới Đại hội XII còn rất ngắn, không thể làm kịp những việc lớn như vậy, do đó các DT chưa nên nêu ngành cụ thể mà chỉ nên nêu một số định hướng làm căn cứ cho việc cân nhắc tiếp. Vả lại, trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cũng như trong bối cảnh kinh tế, khoa học-công nghệ thế giới đang biến đổi rất nhanh chóng và sâu sắc thì bản thân thị trường trong và ngoài nước, lợi ích và khả năng của các doanh nghiệp có vai trò không ai thay thế được; các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước chỉ nên đi sâu nghiên cứu, cung cấp thông tin định hướng và nhất là dùng các đòn bẩy kinh tế để hướng các doanh nghiệp đi vào những ngành hàng nước ta có lợi thế so sánh và thị trường có nhu cầu...
4. Ai làm và làm gì, thế nào?
Như trên đã nói, CNH “không theo kiểu cũ” một phần thể hiện trong chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, kể cả kinh tế nước ngoài. Ở đây, có mấy vấn đề cần làm rõ thêm:
Một là, mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường nói chung, giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế ngoài Nhà nước nói riêng. Hiện nay, về đại thể vẫn tồn tại hai luồng ý kiến: Một luồng nêu đậm, thậm chí tuyệt đối hóa vai trò của thị trường và kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa; một luồng khác nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.
Lần này, hai DT đã nói rõ vai trò của Nhà nước nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, nhưng tiếc rằng nội dung về phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa tương xứng với vai trò của họ trong thể chế kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
Có một thực tế là các doanh nghiệp của nước ta rất nhỏ, vốn rất ít, khả năng mọi mặt đều hết sức hạn chế (ngay các doanh nghiệp lớn của ta cũng chỉ thuộc loại nhỏ hay vừa của thiên hạ), tuyệt đại đa số là kinh tế hộ, số lớn còn lại kinh doanh buôn bán, môi giới, bất động sản… là chính; các doanh nghiệp sản xuất vật chất có khả năng góp phần đẩy mạnh CNH không nhiều. Trong tình hình như vậy, Nhà nước không thể không đóng vai trò khởi nghiệp! Tất nhiên không nên hiểu Nhà nước khởi nghiệp theo kiểu cũ, tức là thông qua cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và quốc doanh hóa, nhưng làm thế nào để Nhà nước có thể đóng vai trò khởi nghiệp theo kiểu mới, mong đại hội chỉ rõ.
Hai là, mối quan hệ trong-ngoài nói chung và doanh nghiệp trong và ngoài nước nói riêng trong quá trình CNH, HĐH nên ở mức nào? Đại hội VIII đã từng chỉ rõ, “nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn bên ngoài là quan trọng” nhưng trên thực tế đang diễn ra tình trạng “gen ngoại” ngày càng vượt trội “gen nội” trên nhiều phương diện; riêng về xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI năm 2014 đã chiếm khoảng 67% tổng kim ngạch của nước ta; về sản lượng công nghiệp khoảng hơn 1/2; quá trình chuyển giao công nghệ cực kỳ thấp, sức lan tỏa về công nghệ và kỹ năng quản lý không như kỳ vọng. Thực ra, các doanh nghiệp nước ngoài không dễ gì “chuyển giao công nghệ” vì đó chính là "cần câu cơm" chủ yếu của họ; ta muốn có công nghệ tiên tiến thì phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua công nghệ hoặc bằng phát minh, sáng chế.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì kỳ vọng xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ sẽ bị thách thức. Chúng ta không bài ngoại, ngược lại rất trọng ngoại nhưng làm thế nào có thể kết hợp nội lực với ngoại lực thành tổng lực quốc gia, thậm chí biến ngoại lực thành nội lực là một vấn đề mang tình thời sự cao, đại hội Đảng nên có định hướng.
Các DT lần này nêu một chủ trương mới là “chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”. Nói một cách khác, các DT đã tiếp cận xu hướng khá phổ biến hiện nay trên thế giới là thúc đẩy nội nhu. Tuy nhiên, ở đây có hai vấn đề nên được cân nhắc: Thứ nhất là, chủ trương trên đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, có “vênh” với định hướng phát triển theo chiều sâu, gia tăng mạnh mẽ năng suất tổng hợp (TFP) không? Liệu có thể vừa phát triển theo chiều rộng vừa phát triển theo chiều sâu chăng? Thứ hai là, nếu không định hướng phương cách thực hiện thì chủ trương trên sẽ khó đi vào cuộc sống; với cơ cấu sản xuất và tiêu dùng đã hình thành và một loạt FTA sắp ra đời, nền kinh tế nước ta rất dễ đi theo hướng cũ.
Ba là, mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương cũng như từng vùng trong quá trình CNH.
Sở dĩ cần nêu vấn đề này vì rất nhiều tỉnh đề ra mục tiêu biến thành một “tỉnh công nghiệp” hoàn chỉnh với sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp…! Nếu không được tính toán kỹ và đặt trong tổng thể nền kinh tế đất nước thì “phong trào” này có thể gây ra sự phân tán, lãng phí nguồn lực; hiệu quả, chất lượng ngành và sản phẩm công nghiệp kém, khả năng cạnh tranh thấp, thậm chí đổ vỡ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, trở ngại cho sự liên kết vùng.
Mọi người đều biết, mỗi quốc gia là một không gian kinh tế thống nhất, địa giới chủ yếu chỉ để quản lý hành chính chứ không thể biến thành ranh giới của các đơn vị kinh tế biệt lập. CNH đất nước không có nghĩa là tỉnh nào cũng phải trở thành tỉnh công nghiệp mà chỉ có thể CNH ở những địa phương có lợi thế so sánh thực sự. Ta có thể thấy điều này ngay ở các quốc gia CNH cao.
Còn một vấn đề khác cần chú ý là ở nước ta có rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất… nhưng lại không hình thành được các cụm công nghiệp tập trung chuyên môn hóa cao (custer), ví dụ khu chuyên về điện tử, khu chuyên về cơ khí chính xác, khu chuyên về may mặc… như tại nhiều nước khác. Những cụm đó có điều kiện tốt hơn để liên kết, đào tạo nguồn nhân lực, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường… Sở dĩ như vậy một phần vì địa phương nào “cũng trải thảm đỏ” mời gọi đủ loại doanh nghiệp để CNH! Một chi tiết khác cần quan tâm là có tỉnh nhờ vào sự hiện diện của vài doanh nghiệp lớn của nước ngoài nên đã chuyển dịch được cơ cấu theo hướng công nghiệp, gia tăng thu ngân sách và biến tỉnh mình thành “tỉnh công nghiệp” nhưng cơ cấu dân cư và lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất cao. Vậy có thể coi các tỉnh đó là tỉnh công nghiệp đúng nghĩa chưa?
Tóm lại, CNH, HĐH là vấn đề rất rộng lớn, đồng thời là vấn đề sống còn đối với nước ta trong những năm tới, cho nên xin đề nghị Đại hội XII của Đảng:
- Làm đậm thêm vấn đề này; kiểm điểm thấu đáo những chủ trương đã đề ra xem điểm nào đã hợp lý, điểm nào cần chỉnh sửa;
- Quyết định rõ các tiêu chí;
- Chỉ ra những tiền đề hay nền tảng, trong đó làm rõ cái gì đã có, cái gì chưa có, làm thế nào để có;
- Cố gắng làm rõ mô hình CNH, HĐH, nhất là cách tiếp cận về cơ cấu ngành, trong đó có các ngành mũi nhọn;
- Xác định ai làm, làm gì và làm thế nào: Vai trò Nhà nước, vai trò các doanh nghiệp, vai trò nước ngoài, vai trò các địa phương.
Vậy xin mạo muội giãi bày vài điều suy ngẫm để bạn đọc và những người liên quan tham khảo.