Doanh nghiệp Maroc mong muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam
Theo đó, một số doanh nghiệp Maroc như SAHARA SA, COMINTER, TRANFOLIM, SEDECO hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu cà phê các loại, hạt điều nhân, hạt tiêu, giống cây thanh long đang muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam để hợp tác kinh doanh đối với các mặt hàng này.
Trong quá trình liên hệ trao đổi, nhằm tránh rủi ro, Thương vụ Việt Nam tại Maroc (kiêm nhiệm Guinea, Benin, Côte d'Ivoire, Burkina Faso) cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Cụ thể, ngay từ ban đầu, doanh nghiệp cần đề nghị đối tác hỏi mua hàng gửi hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, địa chỉ, mã số thuế…để có thông tin đầy đủ về khách hàng phục vụ công tác xác minh doanh nghiệp hoặc trong trường hợp phát sinh vấn đề, có thể hoàn tất hồ sơ kiện đối tác không tuân thủ ra tòa thương mại.
Để tăng khả năng tuân thủ cam kết và độ tin cậy, cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc cao, tối thiểu 25% giá trị lô hàng. Bên cạnh đó, tuyệt đối không chuyển trước cho đối tác mua hàng bất kỳ khoản tiền nào theo đề nghị của họ với bất cứ lý do gì. Đối với hợp đồng ký kết gửi qua thư điện tử và phụ lục cần đặc biệt lưu ý đến chữ ký và con dấu do có thể bị cắt dán giả mạo, nhất là các hợp đồng qua trung gian.
Các doanh nghiệp không nên gửi cho khách hàng ảnh chụp vận đơn gốc của hãng tàu bởi khách hàng có thể dùng máy in màu làm giả, trong khi hải quan được miễn trách thẩm định hồ sơ thật/giả, mà chỉ kiểm đủ hồ sơ là có thể cho thông quan.
Bên cạnh đó, hợp đồng vận tải với hãng tàu uy tín, ràng buộc trách nhiệm hãng tàu phải sử dụng dịch vụ của đơn vị giao nhận có uy tín tại cảng đến. Đồng thời, sử dụng ngân hàng uy tín, địa chỉ của ngân hàng đích ít nhất là cấp chi nhánh và phải có trụ sở tại một trong ba thành phố Rabat, Casablanca hay Tanger. Không ghi địa chỉ ngân hàng đích là các đại lý ở các địa phương theo đề nghị của khách hàng gây khó khăn trong xử lý khi phát sinh trục trặc liên quan đến lô hàng.
Khi xác định có trục trặc, doanh nghiệp cần liên hệ sớm với các cơ quan liên quan để có thể có giải pháp tối ưu nhất, tránh để kéo dài gây thiệt hại càng lớn cho doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp không thể xử lý được.