Đây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo “Khởi nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ khu vực Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh”, do Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12, tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo thu hút đông đảo nhà khoa học và doanh nghiệp khởi nghiệp |
Qua việc thu thập thông tin các nhu cầu khởi nghiệp được thực hiện ở khu vực Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh, kết quả thu nhận được tổng cộng có 104 nhu cầu từ 78 cá nhân (chiếm 75%) và 26 tổ chức (chiếm 25%). Các đối tượng khởi nghiệp được khảo sát bao gồm sinh viên chiếm 19,4%, cá nhân tự do kinh doanh chiếm 43,9% DN khởi nghiệp chiếm 27,6% và một số ít DN tái khởi nghiệp chiếm 9,2%.
PGS.TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, xu hướng khởi nghiệp sáng tạo chiếm ưu thế hơn so với hình thức khởi sự kinh doanh, chiếm 59,6% trên tổng số nhu cầu được khảo sát. Khởi nghiệp sáng tạo dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, từ đó sẽ xây dựng phân khúc thị trường, tạo ra sự khác biệt và có mức độ tăng trưởng nhanh.
Hoạt động hỗ trợ và liên kết cung cấp dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một mảng hỗ trợ không thể thiếu bên cạnh các chương trình nâng cao năng lực hay thúc đẩy kinh doanh cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Việc được tiếp cận với dịch vụ thuộc các lĩnh vực trọng tâm như: Pháp lý, đăng ký kinh doanh; sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng; tài chính, quản trị DN; sale, marketing, truyền thông sẽ tạo nền móng và tiền đề vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển của DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - PGS.TS Phạm Xuân Đà nhấn mạnh.
Việc khởi nghiệp của các DN ngày nay cần phải gắn lĩnh vực vào ứng dụng thực tế, đồng thời vận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hương - một người có nhiều nghiên cứu về khởi nghiệp - cho hay, hiện Việt Nam có nhiều chương trình khởi nghiệp nhưng chưa có một cơ quan chuyên trách nào; thủ tục và quy định cho các startup giống như các loại hình DN khác. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng việc triển khai còn chậm và chưa đến được với nhiều startup và cũng chưa có cơ chế ưu đãi về đầu tư và thoái vốn cho các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư, chưa có các chương trình thương mại hóa hiệu quả.
Bà Mai Hương đề nghị, cần cải thiện chính sách và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, hỗ trợ startup tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo về tinh thần doanh nhân, xây dựng văn hóa và tư duy khởi nghiệp.
Đề cập đến khu vực TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub (SIHub) - Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh - cho biết, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác khởi nghiệp của cả nước. Tuy nhiên cũng giống như cả nước, các dự án phần lớn đều thiếu tính sáng tạo, khả năng áp dụng khoa học công nghệ thấp.
Theo ông KimTước, nguyên nhân có nhiều nhưng có một phần đến từ các nhà đầu tư Việt Nam, họ chỉ thích đầu tư hoặc mua sản phẩm có sẵn hơn là những dự án đầu tư có yếu tố công nghệ. Điều này khác hẳn với các tập đoàn lớn của thế giới họ thường chú trọng đến các giải pháp công nghệ mang tính đột phá.
Mặc dù vậy, ông Kim Tước cũng khuyến cáo đừng lấy những “ông khổng lồ” của thế giới làm hình mẫu cho mình mà cần đo lường hệ sinh thái của mình như thế nào rồi mới đầu tư cho khởi nghiệp.
Hiện cụm từ “đổi mới sáng tạo”, “doanh nghiệp khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều hơn và các DN cũng được ra đời nhiều hơn trong vài năm gần đây. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã nỗ lực những bước đầu tiên để gây dựng một nền tảng khởi nghiệp để cạnh tranh trên trường quốc tế.