Doanh nghiệp cơ khí: Biến nguy thành cơ
Chủ động đón cơ hội từ công nghiệp hỗ trợ
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh ở 3 phân ngành gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí cả nước.
Trong năm 2021, doanh nghiệp sản xuất về cơ khí sẽ là những doanh nghiệp có nhiều cơ hội |
Mặc dù, trong khó khăn dịch bệnh Covid, nhiều ngành nghề đã gặp thua lỗ lớn/đóng cửa. Nhưng cũng từ đây, cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành cơ khí xuất hiện. Nhiều đơn vị đã hợp tác, chia sẻ khó khăn cùng nhau. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo cơ hội việc làm cho các đơn vị nhỏ. Những doanh nghiệp (DN) trên chuyên sản xuất những mặt hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp đặt hàng những sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ… “Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước phát triển và mở rộng thị trường” - đại diện lãnh đạo VAMI - khẳng định.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Đức Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam - cho biết, trong năm 2020, khi Covid-19 xảy ra thì hầu như các DN đều gặp khó khăn, cả trực tiếp và gián tiếp.
Công ty cũng chịu tác động gián tiếp trong cung ứng trang thiết bị, máy móc hoặc sản xuất linh phụ kiện phục vụ cho các DN nước ngoài. “Việc đứt gãy nguồn cung buộc công ty kết hợp với các DN trong nước để tìm kiếm thêm nguyên liệu, cơ hội xuất khẩu. Đây là điểm tích cực mà dịch bệnh gián tiếp mang lại cho cộng đồng DN trong nước” - đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam bày tỏ.
Theo ông Đào Phan Long - Chủ tịch VAMI, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN đều đã chung tay để duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người lao động.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh - cho biết, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, bên cạnh các DN đầu tư nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam, các nhà sản xuất ở các nước cũng trực tiếp liên hệ với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh để nhờ hỗ trợ tìm nhà cung cấp và đặt hàng sản xuất. Cụ thể, có ít nhất 5 nhà sản xuất với thương hiệu lớn trên thế giới gồm 2 DN Nhật Bản và 2 DN Hàn Quốc đang sản xuất tại Trung Quốc cùng một nhà sản xuất tại Đức đã có đề nghị này. Những DN trên chuyên sản xuất những mặt hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp đặt hàng những sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ…
Liên kết để tăng hiệu quả chuỗi sản phẩm
Theo ông Đào Phan Long, trong năm 2021, DN sản xuất về cơ khí sẽ là những DN có nhiều cơ hội, bởi vì gần như các đơn đặt hàng từ Trung Quốc không xuất khẩu được do đất nước này khó có thể triển khai được những đơn hàng dưới tác động của dịch bệnh, hoặc do mất uy tín trên thương trường quốc tế. Trong khi gần như các đơn hàng đó được chuyển sang các nước; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đón được cơ hội này, các DN phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh. “Bên cạnh đó, các DN cơ khí phải liên kết mạnh mẽ hơn, những DN còn nhỏ, yếu về vốn, trình độ phải biết ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, công nghệ và đơn hàng”, ông Đào Phan Long nêu vấn đề.
Trên thực tế, việc chuyển sản xuất, mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ nhiều năm trở lại đây. Bản thân các hiệp hội ngành hàng cơ khí, CNHT và các DN hội viên đã gặp gỡ và trao đổi.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, các DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều FTA. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong tình hình dịch diễn biến trên toàn cầu vẫn phức tạp, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu, Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm DN quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với các ngành chế tạo mà tất cả các ngành sản xuất.
Theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, CNHT trong năm 2021 và những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay 2 trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ DN công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho CNHT trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các DN cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Theo Bộ Công Thương, ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để ngành phát triển, những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Ngoài việc tạo thị trường cho doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. |