Doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái trên môi trường kinh doanh trực tuyến
Thời của kinh doanh trực tuyến
Kết quả khảo sát nhanh của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vào tháng 5/2020 tiếp tục được củng cố cho cả năm 2020 và đầu năm 2021, cho thấy một mặt các DN đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến, mặt khác cộng đồng người tiêu dùng mua săm trực tuyến tăng nhanh. Kết hợp cả hai yếu tố trên dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt, bao gồm bán lẻ hàng hóa trực tuyến, gọi đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến. Ước tính chung năm 2020 thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
DN quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử |
Liên quan tới bán lẻ hàng hóa trực tuyến, theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những DN chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30- 60%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng.
Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021- 2025, đến năm 2025 sẽ có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 của TMĐT Việt Nam là 29% và tới năm 2025 quy mô ước đạt 52 tỷ USD.
Đáng chú ý, theo Vietnam Internet Statistics, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng mạng xã hội và đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Đó là lý do để hơn bao giờ hết, các DN bán lẻ, bán hàng trực tuyến (online) hoặc DN kinh doanh truyền thống tại Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, marketing để phát triển chuyên sâu mô hình và phương thức kinh doanh online.
Theo bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - dưới tác động của đại dịch Covid-19, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi số và thiết lập thương mại đa kênh, kinh doanh trên nền tàng trực tuyến, cùng lúc đảm bảo các kênh thanh toán được bảo mật và phát triển mạnh mẽ.
DN cần xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh trên môi trường kinh doanh trực tuyến
Trong bối cảnh kinh doanh mới, cùng với hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống qua các hội chợ, phiên chợ... thời gian qua, nhiều DN cũng đã phối hợp với các tổ chức có liên quan triển khai nhiều chương trình trực tuyến bán hàng, tiếp thị trên môi trường online đến cách chăm sóc khách hàng, đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT... Nhiều DN đã đẩy nhanh chuyển đổi số, mở thêm kênh bán hàng trực tuyến để tăng doanh thu bán hàng trên nền tảng số, ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.
Việc cung cấp giải pháp công nghệ cũng đã nhanh chóng hướng đến hỗ trợ DN và người kinh doanh bằng nhiều giải pháp giúp cho người bán hàng có thể tạo ra sự tăng trưởng từ việc bán hàng trên tất cả các kênh, đặc biệt là bán hàng trực tuyến.
Theo bà Trần Thị Thùy Dương - Trưởng phòng Digital Marketing, Công ty Cổ phần Sapo - tất cả những ứng dụng mà Sapo hướng đến đều hỗ trợ người kinh doanh có thể tạo ra sự tăng trưởng từ việc bán hàng đa kênh, đặc biệt là kênh bán hàng trực tuyến. Trong đó, việc xây dựng 1 website TMĐT phải đạt được mục đích của người có nhu cầu chính là giúp bán được hàng hóa, website TMĐT phải tạo ra một hệ thống, giúp khách hàng có thể tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)...
Ngoài ra, lượng người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập website TMĐT ngày càng gia tăng, vì thế tất cả những thư mục liên quan đến việc mua hàng phải giúp người tiêu dùng khi vào website dễ dàng, các nút tìm kiếm, mua hàng còn phải cung cấp công cụ Pay giúp người tiêu dùng có thể thanh toán trực tuyến...
Bên cạnh đó, khâu trung gian vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến khách hàng cũng luôn là mối quan tâm của bên bán cũng như bên mua hàng. Vì thế các DN bán lẻ bằng hình thức TMĐT cần tìm hiểu và triển khai dịch vụ hoàn tất đơn hàng nhằm mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh sau bán hàng...
Như vậy, DN phải coi kinh doanh trực tuyến là một hệ sinh thái mới có thể bán được hàng. Công cụ bán hàng cần gắn kết nhiều thứ với nhau như tương thích với nền tảng di động, giải pháp thanh toán, hỗ trợ vận chuyển… tất cả phải xây dựng thành một hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến hiệu quả.