Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
Tính đến 31/12/2022, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,35% tổng số doanh nghiệp của cả nước |
Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4,0% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%.
TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế trung ương - nhận định, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.
Sự phát triển khiêm tốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp.
TS. Vũ Mạnh Hùng phân tích, hiện nay, chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp nông nghiệp như: hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ về chế biến sản phẩm; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới.
Lĩnh vực hỗ trợ của chính sách như vậy được xem là khá toàn diện, tuy nhiên tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt; đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - mặc dù, những năm gần đây, một số doanh nghiệp nông nghiệp đang dần vươn lên giữ vai trò nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển và góp phần giải quyết vấn đề lao động việc làm cho người dân.
Số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng gần 4%/năm trong giai đoạn 2017 - 2022. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng doanh nghiệp nông nghiệp còn rất khiêm tốn.
Tính đến 31/12/2022, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,35% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Tỷ lệ tương ứng trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp chỉ là 1,39%.
Quy mô của doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế. Theo quy mô lao động, số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 73,662% (dưới 10 lao động); số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 23,88% (từ 10 - 200 lao động). Theo quy mô vốn, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có số vốn dưới 50 tỷ đồng, chiếm tới 84,41%.
Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ. Xét về cơ cấu doanh nghiệp, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp tư nhân, còn lại là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI.
Gần 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hơn 35% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; và hơn 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp
Nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu kém, thể hiện ở các mặt sau: Doanh nghiệp nông nghiệp chưa đầu tư đầy đủ vào công nghệ và quản lý sản xuất; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế và chưa được mở rộng; sản phẩm còn thiếu đa dạng, chất lượng sản phẩm còn hạn chế;…
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân trực tiếp đến từ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư của Nhà nước.
Có thể nói rằng, hiện nay chưa có sự thống nhất ưu tiên đầu tư cho ngành nông nghiệp, chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư, các doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai. Thủ tục hành chính, sự hỗ trợ của quản lý nhà nước trong việc khởi nghiệp doanh nghiệp, tiếp cận các nguồn lực để đầu tư chưa được cải thiện.
Nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là một “trụ đỡ” cho ổn định kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Do đó, để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đó, cần tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, và từ Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định; có các chính sách tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai, sớm hình thành thị trường, quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
Tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính theo đó nghiên cứu cắt giảm 40 - 50% thủ tục hành chính hiện hành, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm…. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật về đăng ký kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp khi gia nhập thị trường.