Phát triển bền vững ESG- Chìa khóa cho phát triển bền vững |
Doanh nghiệp đã thực hành và tích hợp ESG
Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam - cho biết, áp dụng ESG vào sản xuất, kinh doanh đang là đòi hỏi tất yếu của các doanh nghiệp (DN) hiện nay nếu muốn “nâng tầm” vị thế và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường. Nhiều DN đã thực hành ESG và tích hợp vào chiến lược phát triển bền vững.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Deloitte, bà Thúy Ngọc cho biết: Là hãng tư vấn kiểm toán hàng đầu quốc tế trụ sở đặt tại New York, cách làm của Deloitte là “ngồi” trong các Ủy ban soạn thảo chính sách về khuôn khổ phát triển bền vững và Deloitte Việt Nam cũng vậy. Đối với DN, chiến lược kinh doanh là vấn đề sống còn để DN phát triển trường tồn. Hãy bắt đầu từ Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Giám đốc. Nhiều DN đã có Ủy ban Phát triển bền vững “ngồi” ở HĐQT, tất cả công tác xây dựng chiến lược, triển khai chiến lược… sẽ được thực hiện tốt hơn. Ủy ban này sẽ giám sát cả tiêu chí định lượng và định tính để thấy trong lộ trình thực hiện DN đã đi đến đâu và kế hoạch sắp tới sẽ triển khai.
Điểm thu gom và xử lý bao bì nhựa. Ảnh: M.K |
Là một trong số ít doanh nghiệp có Ủy ban Phát triển bền vững “ngồi” trong HĐQT và có định hướng phát triển bền vững thông qua thực thi trách nhiệm xã hội và môi trường từ rất sớm trước khi thuật ngữ ESG thông dụng ở Việt Nam, ông Đào Trung Kiên - Giám đốc cao cấp vận hành, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - chia sẻ: “Ngay từ ngày bắt đầu thành lập (cách đây 35 năm) những người sáng lập của PNJ đã đặt lợi ích của khách hàng, xã hội chính là lợi ích của DN. Do đó, PNJ đã xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp theo quan điểm trên và sau này chúng tôi gọi là chiến lược ESG – Đây là chiến lược nền tảng, cốt lõi trong kinh doanh của chúng tôi”.
“Bồi hoàn” lại cho môi trường
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, khi DN tác động lên môi trường thì có giải pháp “bồi hoàn” lại cho môi trường - đó là cách nhiều DN Việt Nam hiện nay đang làm nhằm thực hành ESG.
Điển hình là câu chuyện của Coca-Cola Việt Nam. Ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững Coca-Cola Việt Nam - cho biết: Câu chuyện mà chúng tôi đã viết lên tại Việt Nam là câu chuyện tuần hoàn của nước và tuần hoàn của bao bì sản phẩm.
Theo đó, Coca-Cola Việt Nam lựa chọn những gì quan trọng và phù hợp nhất với những trụ cột riêng liên quan đến phát triển bền vững như: Trao quyền cho phụ nữ, chống biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, là đơn vị sản xuất đồ uống, Coca-cola đã tìm cách bồi hoàn lại cho nguồn nước thông qua Dự án bảo tồn tài nguyên nước thúc đẩy các giải pháp thuận tự nhiên ở Việt Nam.“Thông qua dự án, chỉ tính riêng tại Đồng Tháp, chúng tôi đã bảo tồn tài nguyên nước và đến nay đã đạt mức gấp đôi bồi hoàn (3,5 tỷ lít nước)”- ông Khánh Nguyên cho biết.
Hiện, Coca-Cola đang hợp tác với nhiều tổ chức để hỗ trợ cộng đồng trong việc tiếp cận với nguồn nước sạch. Cụ thể, hợp tác với WWF trong Dự án “Bảo tồn Tràm Chim”; hợp tác với CEFACOM và IUCN trong Dự án “Monkey Cheek” để hỗ trợ việc trữ lũ hoặc trữ nước nhằm góp phần giảm bớt tình trạng hạn hán và lũ lụt trầm trọng đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó, mang đến mô hình sinh kế bền vững dựa vào lũ cho người dân khu vực; triển khai Dự án “Nước sạch cho cộng đồng” ở các khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh; Dự án “Nước uống sạch cho trường học Việt Nam”. Riêng sáng kiến EKOCENTER đã và đang cung cấp hơn 3 triệu lít nước sạch cho người dân tại 12 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Ông Khánh Nguyên cho hay, đối với tuần hoàn bao bì, Coca-Cola đã triển khai thực hiện tái chế bao bì. Khi Luật Bảo vệ môi trường chưa bắt buộc DN phải thu gom tái chế thì Coca-Cola đã thực hiện hoạt động này. Hiện, Coca-Cola đã thu gom và tái chế đạt tỷ lệ 40%, đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tái chế 50% vào năm 2024. Như vậy gấp 2 lần so với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (22% bắt đầu từ 1/1/2024). Coca-Cola cũng đang thực hiện tự nguyện và đặt mục tiêu tỷ lệ tái chế đạt 100% vào năm 2030. Năm 2022, Coca-Cola đã sử dụng các chai từ tái chế với tỷ lệ 7% và năm 2030 hướng tới 50%.
Trong khi đó, có mặt tại Việt Nam gần 30 năm, Unilever lại hướng đến công tác vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng cư dân địa phương. Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi - cho biết: Phát triển bền vững hay ESG không thể tách rời với tăng trưởng của DN. Unilever luôn quan tâm đến sức khỏe, vệ sinh cộng đồng và đã hỗ trợ 25 triệu người dân Việt Nam tiếp cận điều này. “Chúng tôi đã hỗ trợ 2.500 phụ nữ làm nghề đồng nát, ve chai, cung cấp bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân, tăng cường các hoạt động tôn vinh cho người lao động”- bà Nhi chia sẻ.
Từ năm 2020 đến nay, Unilever Việt Nam đã có hơn 17.000 tấn rác thải nhựa được thu gom, xử lý và tái chế, đạt 77% bao bì có khả năng tái chế, cũng như giảm 55% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh. Đồng thời, tối ưu hóa nguồn rác thải nhựa thu gom thông qua các chương trình hợp tác để tái chế và cung cấp hạt nhựa PCR cho ngành sản xuất bao bì trong nước.
Bà Nhi chia sẻ, Unilever Việt Nam giải quyết cả E lẫn S (môi trường, xã hội) trong 2 năm qua bên cạnh việc đưa các thành viên, đối tác cùng tham gia vào mạng lưới Hợp tác công - tư (PPC) với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa và triển khai nhiều kế hoạch nhằm lan tỏa tinh thần phát triển bền vững ra cộng đồng. Qua đó, Unilever Việt Nam đã thu gom và tái chế được 20 nghìn tấn nhựa. Sáng kiến này đã giải quyết việc làm về xã hội và môi trường.
Ông Phạm Hùng Anh Tuấn - Giám đốc khối sản xuất Công ty British American Tobacco Việt Nam (BAT) - cho biết: Là tập đoàn đa quốc gia, phát triển bền vững là sứ mệnh của BAT, ESG là một phần trong đó. Công ty cam kết 100% nhân viên tham gia vào hoạt động ESG. “BAT đã sử dụng bóng đèn LED nhằm tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời, nước thải được xử lý và tái sử dụng… Tất cả các giải pháp đó nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường”- ông Anh Tuấn nói và cho biết thêm: “Trong chương trình giảm thải CO2, 5 năm qua BAT đã giảm phát thải hơn 21.000 tấn CO2, trên 95% chất thải của BAT được tái sử dụng”.
BAT cũng công bố các mục tiêu về môi trường vào năm 2025. Theo đó, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng năng lượng sử dụng, tái sử dụng 35% lượng nước, duy trì 100% không có rác thải chôn lấp tại các nhà máy sản xuất. Một trong các hành động mới nhất của BAT để cụ thể hóa các mục tiêu này là dự án hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia phủ xanh hơn 120ha rừng tại Đồng Nai, Cà Mau giai đoạn 2022 - 2025. Dự án khởi động vào tháng 8/2022.Đặc biệt, các mục tiêu phát triển bền vững của BAT luôn song hành, hài hòa với các mục tiêu chung của Tập đoàn và Chính phủ Việt Nam. Những cam kết này được cụ thể hóa bởi các mục tiêu rõ ràng và đo lường được trong từng lĩnh vực ESG.
Với ý thức về việc phát triển bền vững ngày càng gia tăng, ESG hiện dần trở nên quan trọng hơn trong doanh nghiệp. Việc triển khai chiến lược ESG không chỉ cần thiết trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mà còn là một yếu tố quan trọng để gia tăng doanh thu, cải thiện hiệu suất và rất nhiều khía cạnh khác của doanh nghiệp. |