Doanh nghiệp cần hướng đến phát triển nhanh, xanh và bền vững
Chiều 23/3, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Từ các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, nền kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu đáng quan ngại. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã suy giảm rõ rệt. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm nhu cầu ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nói về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng dự kiến và đã nhìn thấy trước là việc suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giầy…vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2023, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Eurozone yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định.
Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm, qua đó đem lại tác động tích cực cho xuất khẩu. Tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% từ năm 2024 trở đi nhờ xuất khẩu khởi sắc hơn khi cả ba thị trường chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực Eurozone và Trung Quốc) đều được phục hồi.
Trong bối cảnh ấy, một khó khăn mà doanh nghiệp phải xử lý là làm sao bảo đảm việc làm và thu nhập để giữ chân người lao động trong giai đoạn ít đơn hàng đầu năm 2023, đồng thời chuẩn bị cho việc thực hiện các đơn hàng nhiều hơn vào các tháng cuối năm.
Vấn đề khác được TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ đó là một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng đối diện với việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới (gắn với chuyển đổi số, phục hồi xanh,…). Khó khăn về năng suất, chất lượng lao động là vấn đề không mới, nhưng chúng ta chưa tạo được đột phá cả ở cấp độ nền kinh tế cũng như cấp độ doanh nghiệp….
Đưa ra những giải pháp quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cương huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những thay đổi “ghê gớm” trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tiếp đó là những bất ổn xoay quanh xung đột vũ trang từ cuộc chiến Nga - Ukraina tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh tế. Và từ đó, chính sách của các quốc gia có nhiều thay đổi.
Gần đây, những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, những yếu tố mà doanh nghiệp có thể dựa vào ổn định, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ (ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sĩ) cũng đã sụp đổ. Điều này khiến các nhà doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Vậy chúng ta phải định vị lại doanh nghiệp của mình như thế nào để tồn tại và phát triển?
Dù bối cảnh có nhiều “gam màu xám” nhưng cũng cho thấy những cơ hội. Nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư mới. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra đột phá cũng như nền tảng “bứt tốc” trong tương lai.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, để nắm bắt các cơ hội phát triển, tái định vị doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề mấu chốt. Theo đó, tái định vị doanh nghiệp gắn với tư duy mới, phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.
"Trong bối cảnh chúng ta đang đi sau, doanh nghiệp cần hướng đến phát triển nhanh, xanh và bền vững. Việc doanh nghiệp vừa phải phát triển nhanh, vừa phải bền vững giống như chúng ta lái xe nhanh nhưng phải an toàn. Đây là câu chuyện khó nhưng để đến đích theo đúng mục tiêu thì cần rất nhiều nỗ lực", ông Phạm Tấn Công khuyến nghị.