AI thâm nhập ngành dược phẩm: Lợi thế của FPT Long Châu Chủ tịch FPT đề nghị đưa AI vào chương trình giáo dục Ông Trương Gia Bình và FPT mở liên minh tạo lớp người tiên phong mang tên ‘kỹ sư 57’ |
Ở tuổi xấp xỉ 70 nhưng ông Trương Gia Bình có lẽ là doanh nhân say sưa nói về Al nhất. Chiều 7/5/2025, một chiều hè lịch sử gợi nhớ chiến dịch Điện Biên Phủ khi Chủ tịch Quốc hội say sưa tâm đắc nói việc Quốc hội đã ứng dụng GPT bản quyền thì ông Bình tổ chức lễ ra mắt một liên minh đào tạo những "kỹ sư 57" - mũi đột phá để Việt Nam vươn mình bằng Al.
Doanh nhân mê kể chuyện Bác Hồ và trích nghị quyết của Đảng
Hôm ấy, ông lại say sưa nhắc đến Bác Hồ và một chữ “đói”. Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” - lời Bác Hồ giữa mùa đông cách mạng 1945 vẫn còn văng vẳng đến tận hôm nay, như một bản chỉ đường xuyên thế kỷ. Nhưng giữa kỷ nguyên 4.0, cái đói không còn là nồi cơm thiếu lửa, mà là những cơn đói mới: đói thông tin, đói trí tuệ nhân tạo, đói tư duy sáng tạo, và trên hết, đói khát một tầm nhìn thoát nghèo bằng chính trí tuệ của dân tộc mình.
![]() |
Ông Trương Gia Bình có lẽ là doanh nhân say sưa nói về Al nhất. Ảnh minh hoạ |
Từ chiếc bàn gỗ, gác xép và một chữ “Đói”, ông Bình không sinh ra để làm phần mềm hay Al ngay. Xuất thân từ một công ty có tên viết tắt là FPT, Công ty cổ phần Dịch vụ Chế biến Thực phẩm. Ngày đầu lập nghiệp, FPT không nghĩ đến AI, không nghĩ đến chip, càng không mơ thống lĩnh thế giới. Họ chỉ muốn hết đói.
Nhưng ông Trương Gia Bình đã “đói” một thứ khác. Đói những câu hỏi lớn, đói sự thay đổi, đói một Việt Nam thoát khỏi vũng lầy tư duy bao cấp, “đói ăn, đói nghĩ, đói cả ước mơ”. Từ một gara cũ ở Bách Khoa, ông bắt đầu “lập trình” cho những giấc mơ rất Việt Nam, rất nghèo nhưng không cam chịu.
“Gã khùng Việt Nam”, đó là cái tên người ta gọi ông khi FPT đi rao bán phần mềm cho Mỹ. Trong khi cả thế giới nghĩ rằng Việt Nam chỉ nên làm nông, bán gạo, làm gia công, ông Bình bảo: '‘Tôi muốn bán chất xám'’.
Bán được. Mỗi dòng code lúc ấy như một cái cuốc xới vào lòng tự tôn của dân tộc. “Việt Nam có thể viết phần mềm”, câu ấy, ngày nay nghe thật thường, nhưng ở những năm 90, đó là một cuộc cách mạng.
Trong hàng trăm doanh nhân lớn nhỏ của Việt Nam, ít ai trích dẫn Nghị quyết của Đảng nhiều như ông Bình. Ông không đọc nghị quyết để làm báo cáo. Ông đọc như người chiến sĩ đọc mệnh lệnh xuất quân.
“Nghị quyết 68" và chiến sĩ Trương Gia Bình
Từ Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và mới đây nhất Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, ông Bình luôn say sưa cập nhật và nói về "bộ tứ động lực phát triển đất nước", xem đó là kim chỉ nam. “Nếu không có Đảng mở đường, làm gì có doanh nghiệp dám đi trước? Ông tâm đắc lắm khi gần chục năm làm Trưởng ban nghiên cứu kinh tế tư nhân nay Bộ Chính trị cho ra một nghị quyết mạnh mẽ đến thế về kinh tế tư nhân, xứng tầm là một chủ công trong “bộ tứ phát triển” và hơn thế còn gọi doanh nhân là những người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
Ông Bình thích dẫn lời Bác Hồ. Trong phòng làm việc của ông, người viết bài này từng thấy một bảng trắng lớn không xóa, chi chít chữ bằng bút dạ, như vết vạch thời gian của những lần ông giảng bài cho cấp dưới. Giữa tấm bảng là một chữ duy nhất viết to: CHƠI.
“Chơi ở đây không phải chơi bời, mà là chơi lớn, chơi cho đáng một dân tộc đã từng đứng dậy sau chiến tranh mà không khuất phục” – ông nói. Tư duy “chơi” ấy là cách ông Bình chống đói bằng trí tuệ và bản lĩnh.
Bình dân AI vụ: Một cuộc cách mạng chống “đói” mới
FPT giờ không còn là công ty thực phẩm. Nó là nhà máy sản xuất trí tuệ. Là đối tác của NVIDIA trong sản xuất chip. Là nơi hơn 70 triệu con chip bán dẫn sắp sửa mang tên Việt Nam. Là trường đại học đào tạo hàng ngàn kỹ sư AI mỗi năm. Khi thế giới còn đang bàn cãi xem AI nguy hiểm đến đâu, ông Bình đã hành động như một tướng tiên phong: “Nếu không làm AI, Việt Nam sẽ tụt hậu. AI không nguy hiểm bằng tư duy bảo thủ.”
Ông đi khắp nơi nói về “bình dân AI vụ” – một khái niệm lạ mà chỉ ông mới dám nói to. Rằng AI không phải của người giàu. Nó phải về làng, vào trường học, vào thôn xóm như cách Bác Hồ xưa từng phát động phong trào học chữ năm xưa.
Geoffrey Hinton nói AI có thể xóa sổ nhân loại. Ông Bình nói AI có thể làm cả dân tộc vươn mình. Cha đẻ của AI – Geoffrey Hinton từng cảnh báo: có 10 - 20% khả năng AI sẽ xóa sổ nhân loại trong 30 năm tới. Nhưng Trương Gia Bình thì ngược lại: “AI là cơ hội vĩ đại nhất của Việt Nam trong 50 năm.” Bởi một đất nước nhỏ, ít tài nguyên, thiếu vũ khí nhưng có thể sở hữu vũ khí mạnh nhất thế kỷ 21: trí tuệ. Khi ông phát biểu tại nhiều hội nghị quốc tế, ông không nói về sản phẩm, mà nói về “giấc mơ Việt Nam đứng dậy bằng chính AI”.
Ở tuổi gần 70, ông Bình không có dấu hiệu dừng lại. Không nói về tiền, về cổ phiếu, về vị trí doanh nhân. Ông nói về Việt Nam như một người cha nói về đứa con vừa biết đi. Từ đói cơm đến đói dữ liệu, từ đói chất xám đến đói niềm tin, ông không no bao giờ. Và đó là lý do vì sao, lịch sử sẽ nhớ tên ông như một người trẻ mãi cùng hào khí dân tộc.
Ngày nay, khi đất nước không còn thiếu gạo, nhưng lại thiếu người đứng lên vì những cuộc chơi trí tuệ, thì Trương Gia Bình là người nhắc lại lời Bác một cách rõ ràng nhất: “Đói không chỉ là thiếu ăn. Mà là thiếu khát vọng, thiếu định hướng, thiếu dám làm điều phi thường.”
Tôi tin ông đang đúng vì ông không nói suông. Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy, trong đó việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo chính nghiên cứu của Google, nếu được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, AI có thể mang lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1,89 triệu tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Tỷ phú Jensen Huang, Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA mới đây đánh giá Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó “siêu năng lực” lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới và trí tuệ nhân tạo là cơ hội phi thường cho Việt Nam.
Ông Bình đang có trong tay cả công nghệ Al và cả giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. Lịch sử sẽ nhớ ông không chỉ vì ông sáng lập FPT. Mà vì ông là một trong số ít những người biết biến chữ đói thành động lực sống. Ông không bao giờ no. Không no với một triệu USD đầu tiên. Không no với một tỷ USD. Không no với hai tỷ USD. Và chắc chắn, sẽ không no với ba tỷ. Vì điều ông muốn no, không phải là tiền. Mà là trí. Là tầm nhìn. Là khát vọng chung cho dân tộc.
Ngày nay, khi cả xã hội đang no đủ hơn về vật chất, người ta bắt đầu lười đói. Người ta ngại thay đổi. Ngại học cái mới. Ngại nghĩ khác. Nhưng Trương Gia Bình thì không. Ông đói mỗi ngày. Đói như một chiến sĩ thời bình. Đói như một nhà khai phá nhìn thấy trước lối đi nhưng chưa ai dám đi theo. Chữ đói, vì thế, không còn là một nỗi khổ. Nó là một ngọn lửa.