DN thủy sản trước biến động tỷ giá ngoại tệ
Sự biến động tỷ giá các đồng ngoại tệ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) thủy sản.
Đối với XK thủy sản Việt Nam, các nước Mỹ, Nhật Bản và EU là 3 thị trường hàng đầu nên sự biến động của đồng USD, Euro và Yên đều có tác động tới XK thủy sản Việt Nam. Trong thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng, đến hơn 90% DN XK thủy sản chọn USD là đồng tiền thanh toán, bởi đây là loại ngoại tệ có giá trị tương đối ổn định, ít rủi ro hơn so với đồng ngoại tệ khác.
Mặc dù vậy, sự biến động đồng tiền này trong những ngày qua cũng đang ít nhiều ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường Mỹ. Bước sang năm 2015, các DN thủy sản Việt Nam gặp khó hơn khi giá đồng USD tăng cao so với đồng tiền của các nước khác, trong khi tỷ giá USD/VND không đổi. Điều này khiến lợi nhuận của DN XK tôm Việt Nam sang Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực ít nhiều so với các nước đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia do tỷ giá của nước này đang thả nổi.
Tại châu Âu, gần đây chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tới thị trường tài chính khu vực đã khiến đồng Euro tiếp tục giảm sâu so với đồng USD và xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua đã tác động tới hoạt động XK của DN XK thủy sản Việt Nam sang khu vực này. Theo phản ánh của một số DN XK hải sản, ngay quý I/2015, sự mất giá đồng Euro so với đồng USD khiến các nhà NK tại EU gặp bất lợi. Nhiều khách hàng trả giá thấp hơn so với trước từ 10-15%, trong khi đó nhiều DN XK Việt Nam có NK cá ngừ nguyên liệu với giá cao.
Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu XK sang EU nhưng từ ngày 13/3 tới nay các nhà nhập khẩu liên tục đòi hạ giá do đồng Euro mất giá nên việc XK thủy sản sang thị trường này bị chậm lại. Hiện công ty đang tính toán lại cơ cấu giá thành sản phẩm và tiết giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên, hiện nay giá XK cá tra sang châu Âu chỉ khoảng 2,6 USD/kg, trong khi cá tra nguyên liệu đầu vào đã là 23.500 đồng/kg và phải mất 3 kg cá nguyên liệu mới chế biến được 1 kg cá phi lê xuất khẩu nên nếu giảm thêm thì doanhg nghiệp sẽ bị lỗ.
Đồng Yên mất giá cũng là một nguyên nhân khiến cho XK sang thị trường Nhật Bản sụt giảm mạnh. Trong năm 2014 và đầu năm 2015, nhiều khách hàng Nhật Bản gửi thư đề nghị giảm giá bán. Đồng Yên mất giá ảnh hưởng mạnh với DN NK Nhật Bản, nhất là với các DN liên doanh với Việt Nam để bao tiêu sản phẩm, những DN Nhật Bản truyền thống ký hợp đồng dài hạn 1 năm sẽ không có lời. Nhật Bản là thị trường giá cao nhưng đòi hỏi khắt khe về chất lượng, kích cỡ, loại sản phẩm.
VASEP cho biết, không có một chính sách hay biện pháp nào có thể khắc phục tối ưu sự rủi ro trước những biến động về tỷ giá ngoại tệ. Do đó, mặc dù bị động trước sự lên xuống của tỷ giá ngoại tệ nhưng DN XNK vẫn phải chấp nhận sống chung. Hiện nay, biện pháp tình thế được các DN thủy sản chọn lựa để giảm tối đa sự thiệt hại này là tiết giảm chi phí, cân đối sản xuất, kinh doanh.