Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá phải hướng đến tăng thu ngân sách bền vững
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm đối với thuốc lá, phải đề ra lộ trình, đặc biệt gia tăng các hoạt động tuyên truyền để giảm thiểu các tác động tiêu cực do tăng thuế, từ đó mới có thể thu ngân sách bền vững.
Ý kiến này được ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đưa ra tại Tọa đàm “Cân nhắc lộ trình khi sửa thuế tiêu thụ đặc biệt” gần đây trên Truyền hình Quốc hội.
Các khách mời tại Toạ đàm đều đồng tình không nên tăng thuế quá đột ngột để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách |
Theo ông Cường, đầu tiên, Việt Nam cần phải quản lý chặt chẽ các kênh bán thuốc lá. Nếu chúng ta quản lý chặt chẽ các kênh thuốc lá, không được bán thuốc lá lậu một cách dễ dàng. Nếu người tiêu dùng không thể tiếp cận thuốc lá lậu dễ dàng thì đã hạn chế hành vi tiêu dùng thuốc lá.
“Tôi cho rằng là chúng ta phải sử dụng tổng hợp các biện pháp, trong đó việc tiếp cận thuốc lá bất lợi thì người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi hành vi. Tôi cho rằng triển khai một loạt các biện pháp tổng thể để có tác động toàn diện, từ đó đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng thuốc lá chứ không chỉ nhắm vào một công cụ duy nhất là tăng thuế”, ông Cường nhấn mạnh.
Những ý kiến trên của ông Cường, về phía cạnh nào đó, cũng tương đồng với ý kiến của các chuyên gia. Theo đó, một số ý kiến đồng tình rằng sửa Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, thu ngân sách Nhà nước, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động và nông dân, kiểm soát sản phẩm nhập lậu. Vì vậy, cần có mức tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá một cách phù hợp, có lộ trình tăng vừa phải để tránh gây sốc dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội |
Được biết hiện tại, hai phương án mà Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất có mức thuế đang áp dụng 75% sẽ được giữ nguyên và bổ sung thuế tuyệt đối hướng đến mục tiêu tăng 10.000 đồng trên một bao thuốc lá vào năm 2030.
Cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp để có lộ trình hợp lý
Chia sẻ về các phương án trên tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - cho hay hai phương án giống nhau ở chỗ là đến năm 2030 đều tăng lên là 10.000 đồng khi áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp. “Vấn đề là tăng như vậy là tương đối cao so với lộ trình trước đây khi chúng ta điều chỉnh thuế từ năm 2019”. Bà Cúc cũng nhấn mạnh khi tăng thuế phải cân nhắc ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu và sản xuất của ngành thuốc lá, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhấn mạnh khi tăng thuế phải cân nhắc ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu và sản xuất của ngành thuốc lá. |
Khi phân tích hai phương án của Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), bà Cúc cho rằng phương án 1 là hợp lý hơn so với phương án 2 vì phương án 1 (75%+ 2.000 đồng/bao) có ưu điểm là tăng đều hàng năm thay vì tăng đột ngột như ở phương án 2 (75%+ 5.000 đồng/bao). Tuy nhiên, cả hai phương án có mức “thuế tuyệt đối cộng với 75% theo thuế tương đối thì tính ra tổng mức thuế hỗn hợp vẫn cao”.
Trong khi đó, dẫn báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, ông Cường cho hay mức tăng thuế như hai phương án đưa ra có thể sẽ làm cho tỷ trọng thuế trong giá bán thuốc lá tăng lên. Chẳng hạn, hiện tại tỷ trọng thuế khoảng 36% thì đến năm 2030 sẽ lên đến 59,4%, tức tăng lên khoảng 23%. Trong khi người tiêu dùng có thể giảm từ 42,7% như hiện nay xuống còn 38% vào năm 2030 (giảm 4%). Như vậy, thuế tăng 23% nhưng tiêu dùng chỉ giảm 4%. Trong khi đó theo dự báo, đến năm 2030, ngân sách thu được 39.000 tỷ đồng, so với mức 23.000 tỷ tiền thuế TTĐB như hiện nay. Nếu đạt được con số này thu ngân sách thực sự đạt được thành công lớn. “Tất nhiên là tôi vẫn chưa kiểm chứng được con số này. Tôi cho rằng con số này có thể chưa đủ tin cậy bởi vì tiêu dùng giảm 4%, tỷ trọng thuế trong giá chỉ tăng 23% thôi thì làm thế nào mà tổng thuế lại tăng lên hơn gấp rưỡi”, ông Cường nêu quan điểm.
Ông Cường nói thêm khi tính đến các phương án đánh thuế phải xem xét luôn các phương án chuyển dịch hoạt động sản xuất làm sao để người dân vẫn có được sinh kế tốt và không ảnh hưởng tiêu cực đến bình ổn chung của đời sống kinh tế - xã hội. “Khi đó cải cách thuế của chúng ta mới đạt được mục tiêu”, ông nói.
Người nông dân trồng lá thuốc lá đã ký hợp đồng với các nhà máy thuốc lá, ổn định đầu ra từ nhiều năm nay. Bây giờ nếu đột ngột chuyển sang một sản phẩm mới mà không có đầu ra sẽ là một thách thức lớn”, bà Cúc đưa ra nhận định.
Vì vậy, theo bà Cúc, rõ ràng cần có một kế hoạch lâu dài để ổn định đời sống của người dân ở những vùng khó khăn, nơi thu nhập cả gia đình đang phụ thuộc phần lớn vào cây thuốc lá, trong khi việc chuyển đổi cây trồng không hề dễ dàng.
Nói về tác động đến thu ngân sách từ thuế thuốc lá, ông Cường chia sẻ thêm thuế TTĐB là thuế để điều tiết hành vi tiêu dùng, nhưng về nguyên lý, điều chỉnh thuế thì phải hướng đến việc tăng thu.“Tất nhiên tăng thu ngân sách không phải là mục tiêu chính nhưng khi tăng thuế phải đạt được nguyên lý đó”. Ông Cường nhấn mạnh nếu điều chỉnh thuế làm giảm thu ngân sách do việc tăng thuế khiến sản lượng tiêu dùng hợp pháp giảm mạnh thì vấn đề này phải cân nhắc lại, bởi khi đó mục tiêu tăng thu ngân sách không đạt được trong khi không kiểm soát được tình hình thuốc lá lậu.
Từ những phân tích trên, các khách mời tại tọa đàm cho hay Chính phủ cần cân nhắc kỹ cần có mức tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá một cách phù hợp, có lộ trình tăng vừa phải để tránh gây sốc dẫn đến những hậu quả tiêu cực đến thu ngân sách, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, an sinh xã hội của người lao động và người nông dân tại vùng trồng nguyên liệu…
Vì vậy, ông Cường và các khách mời kiến nghị, không nên tăng thuế quá đột ngột như đề xuất hiện nay và nên có lộ trình phù hợp để người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, tránh ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách dài hạn.