Đệ nhất khảm trai xứ Kinh Bắc
Đất nghề nuôi dưỡng người tài
Nhận xét về anh, nhiều người bảo, có lẽ do sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống khảm trai nức tiếng: Thôn Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (xưa) nay là Hà Nội nên đã khiến cho những bức tranh của anh đẹp, có hồn đến thế.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh đang giới thiệu những sản phẩm khảm trai do mình tạo ra |
Vậy nhưng, qua câu chuyện với anh thì chúng tôi mới vỡ lẽ thêm nhiều điều hấp dẫn hơn nữa. Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh kể, bố anh là người gốc Thôn Chuôn Ngọ, nhưng ông sơ tán lập nghiệp về Bắc Ninh từ thời trai trẻ và nên duyên với mẹ anh – người phụ nữ sắc sảo của làng quê Kinh Bắc. Dù không sinh ra và lớn lên ở “quê cha” nhưng dường như cái nghệ thuật khảm trai truyền thống của của làng Chuôn đã in sâu vào tâm hồn anh từ thuở thiếu thời.
“Từ khi còn là một đứa trẻ con, đến khi đi học, niềm say mê lớn nhất của tôi là tìm hiểu về những điều tiềm ẩn trong mỗi cái vỏ trai, vỏ ốc mà mọi người mang bỏ đi. Bao giờ cũng thế, sau khi kì cọ cho sạch mỗi cái vỏ trai ấy, tôi nhìn thấy những đường vân óng ánh đẹp lạ lùng, và luôn nghĩ, nếu lấy cái vỏ này mà làm thành một món quà lưu niệm gì đó chắc là đẹp lắm…” – anh Vinh tâm sự.
Chính từ cái suy nghĩ ấy, cộng với những câu chuyện mà bố anh cũng như người thân kể về làng nghề truyền thống khảm trai Chuôn Ngọ mà ngày lại ngày anh luôn mơ ước mình trở thành một nghệ nhân khảm trai.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh đang say sưa sáng tác |
Và rồi niềm đam mê ấy đã thôi thúc, nung nấu trong anh để trở thành một nghệ nhân khảm theo truyền thống của làng từ lúc nào anh cũng không hay biết nữa. Anh chỉ nhớ, ngày đó học lớp 8 xong anh trở về quê cha mình để học nghề. Thật may mắn, anh đã được theo học nghệ nhân Trần Bá Dinh – người mà người dân thôn Chuôn Ngọ gọi với cái tên kính trọng: Người giữ “lửa nghề” cho làng.
Sau 8 năm say mê, khổ luyện học, từ tư thế làm việc cho đến các công đoạn chế tác sản phẩm, các sản phẩm của anh được thầy Trần Bá Dinh đánh giá cao. Đó chính là động lực cho anh đi tiếp con đường của riêng mình.
Khi đã có tay nghề, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Nhờ nắm giữ được những kỹ thuật chạm khảm khó, anh đã khẳng định vị thế trong nghề khảm trai. Cũng trong thời gian lập nghiệp ở đây, anh chợt nghĩ đến quê ngoại mình và cũng là nơi anh sinh ra, lớn lên - vùng đất Kinh Bắc: “tại sao không về quê hương để phát triển nghề”?. Vậy là những nghĩ suy chóng vánh biến thành hành động, anh quyết định chuyển hẳn về thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh gây dựng và tạo lập một cơ sở khảm trai cho riêng mình. Với những kinh nghiệm, những kỹ năng đã được tích luỹ trong nghề, anh đã có một cơ sở riêng với nhiều những sản phẩm lớn, tinh xảo và nghệ thuật.
Tận tâm và sáng tạo
Lúc đầu, anh chỉ nhận khảm, gia công trong các xưởng mộc. Do có tay nghề chắc nên khách tìm đến đặt hàng xưởng nhà anh rất đông. Tuy nhiên, anh tâm sự: “Dù có đông khách hay vắng khách, mình không bao giờ cho phép bản thân chạy theo xu hướng làm sản phẩm cho nhanh mà luôn cẩn trọng, vừa làm vừa nghĩa ra những sáng kiến mới khắc phục những hạn chế của mặt hàng khảm trai là dễ bong, bật trai, ốc”... Chính sự nhẫn nại và thành tâm với nghề, các sản phẩm của anh được khách hàng đánh giá cao.
Khi đã có “lưng vốn”, cộng với nhà nước mở cửa cơ chế thị trường, khuyến khích mọi ngành nghề thủ công mỹ nghệ được thành lập cơ sở để phát triển kinh tế và xuất khẩu, anh đã mạnh dạn thành lập cơ sở dạy và làm nghề tại thôn Hoài Trung, với thương hiệu Đồ gỗ khảm ốc Vinh Lan.
Anh chia sẻ: “Điểm yếu nhất của khảm trai là dù kỹ thuật khảm có tốt đến đâu, qua thời gian sử dụng, thì các mảnh xà cừ vẫn bị bong tróc ra khỏi bề mặt gỗ, làm sản phẩm không được bền như ban đầu. Làm thế nào để khắc phục tình trạng bong bật trai, ốc và sản phẩm khảm trai được bền là câu hỏi mà tôi luôn trăn trở”. Biết bao đêm trằn trọc suy nghĩ, tìm hiểu, anh Vinh nhận ra do khí hậu ở Việt Nam và các nước châu Á thường nóng và có độ ẩm cao nên các sản phẩm làm từ gỗ thường bị ẩm. Và đây chính là nguyên nhân khiến các mảnh xà cừ bị bong tróc. Vậy là anh mày mò nghiên cứu, đầu tư hai chiếc máy sấy thủ công. Mỗi khi chuẩn bị chạm, khảm, anh đều đặt máy sấy ở hai đầu sản phẩm, sấy gỗ thật khô để khi khảm mảnh xà cừ có độ bám. Sản phẩm của anh không chỉ được chế tác kỹ, đẹp, mà còn bền, có tuổi thọ cao, gần như là vĩnh cửu dù đặt trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Thấm thoắt cũng 20 năm gắn bó với nghề, Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm khảm trai. Chỉ biết rằng, các khách hàng đã đến với xưởng nhà anh một lần thì chắc chắn sẽ đến lần nữa và họ luôn luôn hài lòng với những gì có được. Tôi cũng tin như thế. Bởi chỉ nhìn vào những sản phẩm trưng bày, những Bằng khen, giấy chứng nhận của các hiệp hội phong tặng đặt trang trọng khắp trong ngôi nhà anh đang ở, đã phần nào đoán được chủ nhân của chúng tài năng ở mức nào.
Ghi nhận tài năng và những nỗ lực của anh, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như nhiều bộ, ban, ngành, hiệp hội đã trao tặng anh những danh hiệu trân quý như: Giải thưởng doanh nhân tiêu biểu, nghệ nhân làng nghề Việt Nam, nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Bắc Ninh…
Nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh gắn liền với những tác phẩm để đời như: “Bác Hồ cười” đạt giải Tinh hoa làng nghề năm 2008; “Tranh gỗ khảm cảnh Bách Điểu” đạt giải Sản phẩm tiêu biểu năm 2010; “Chiếu dời đô” đạt giải thưởng Tác phẩm tiêu biểu; “Khay trà khảm” đạt giải Sản phẩm tiêu biểu năm 2012; “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập” bằng khảm ốc được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2014… |