Sinh ra và lớn lên tại xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, anh Võ Văn Út được nhiều người biết đến không chỉ điêu luyện trong lĩnh vực chạm tượng mà còn có thể vẽ trang trí trên những tượng gỗ ấy.
Nghệ nhân Võ Văn Út bên tác phẩm của mình |
Anh tâm sự, có lẽ do ảnh hưởng từ người cha vốn là thợ mộc nên từ nhỏ, mùi phay bào, bụi gỗ… dường như đã trở nên quen thuộc với mình. Tuy nhiên, lớn lên, Võ Văn Út lại quyết định tiến xa hơn cha mình một bước khi theo nghề chạm khắc.
Với bàn tay tài hoa, anh đã dùng các kỹ thuật chạm trổ, chạm lọng, chạm nổi và chạm âm để tạo ra nhiều sản phẩm điêu khắc rất phong phú và đa dạng. Sinh năm 1975 nhưng đến nay anh có trên 27 năm theo nghề và đã thiết kế, sản xuất ra được 17 loại sản phẩm điêu khắc gỗ với khoảng 3.700 sản phẩm, gồm tượng Quan Âm, Di Lặc, Quan Công, Đạt Ma Sư Tổ, Di Đà; phù điêu Bát mã, Bát tiên, Phước Lộc Thọ, Tứ quý, Mai Lan Cúc Trúc; 12 con giáp, Đại bàng, Rồng, Kỳ lân và một số tác phẩm tiêu biểu như: Trường sinh, Một chút biển, Uyên ương, Gió xuân, Hồ lô như ý, Gia đình, Quan âm lộ thiên, Chung thủy, Sức sống, Ngũ Long, Ngũ hổ, Tre tàn măng mọc, Lan hồ điệp...
Tác phẩm Lan hồ điệp |
Sau gần 3 thập kỷ theo nghề, anh nhận thấy, cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng khác với nghề thợ mộc – nghề điêu khắc cần sự khéo léo, óc sáng tạo và “đôi mắt” nghệ thuật nhiều hơn. Khác với quá trình tạo ra chiếc ghế, chiếc bàn hay tủ quần áo theo kiểu dáng rập khuôn, mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời là duy nhất. Tuy có thể cùng kích thước, hình dáng nhưng cái “thần”, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt.
Về thao tác kỹ thuật anh cho biết, có thể quy về 4 loại chính: Chạm trổ, chạm lọng, chạm nổi và chạm âm. Mỗi loại chạm thường ứng với loại sản phẩm nhất định. Chạm trổ là kỹ thuật tạo ra hình tượng không gian 3 chiều, tách rời khiến ta quan sát được hình tượng từ mọi hướng, ví dụ sản phẩm về con vật, người. Chạm lọng cũng tạo ra hình tượng không gian 3 chiều nhưng không tách rời nhau mà các hình tượng này dính liền nhau thành một dãy, như tranh hình tứ linh, tứ quý… Để hoàn thành được những hạng mục này người thợ phải có đam mê và lòng kiên trì.
Với tài năng và niềm đam mê nghệ thuật của mình, đến nay, anh đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng như: Tác phẩm “Trường sinh”, “Quan âm lộ thiên” được UBND tỉnh Long An bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014; “Hồ lô như ý” được UBND tỉnh Long An bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016; “Gió xuân” đạt giải Ba trong cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai năm 2015; tác phẩm “Song Long” đạt giải Vàng Hội thi Sinh vật cảnh Long An lần thứ II năm 2016.
Tác phẩm Một chút biển |
Với những thành tích trên, năm 2015, anh Võ Văn Út được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Thợ giỏi (năm 2015) và Nghệ nhân (năm 2016). Không giấu nghề, anh chỉ mong muốn sẻ chia, duy trì và phát triển nghề điêu khắc, kết hợp vẽ trang trí cho những người có nhu cầu mà không thu học phí. Anh luôn hy vọng sẽ được dạy nghề cho các học viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An, giúp họ có “cần câu” cơm, vừa truyền thụ những kỹ năng, kỹ xảo độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc kết hợp vẽ trang trí vừa góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ kỷ niệm nhớ nhất trong nghề của mình, nghệ nhân Võ Văn Út tâm sự, cách đây gần 12 năm, nhờ cơ duyên được một sư thầy tạo điều kiện cho học lỏm cách vẽ tượng Phật. Khi được nghe thuyết giảng về ý nghĩa của trang phục, nét mặt, dáng dấp của Đức Phật mình rất hào hứng và quyết tâm chinh phục lĩnh vực này. Vừa làm việc để có thu nhập, vừa lặn lội đường xa đi học rồi về thực hành vô cùng vất vả. Một thời gian sau, mình đã có được những tác phẩm được nhiều người đón nhận.