Thứ năm 15/05/2025 11:54

Nghệ nhân Trần Thị Huê: Nghệ nhân của thôn, bản Mường

Làm quen với khung dệt thổ cẩm từ khi lên 10 tuổi,  bàTrần Thị Huê – người phụ nữ dân tộc Mường sinh ra lớn lên tại thôn Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) - đã phát huy những kỹ năng khéo léo của phụ Mường trong dệt thổ cẩm, không chỉ phục vụ những nhu cầu trong gia đình mà còn làm ra những sản phẩm hàng hóa thổ cẩm độc đáo, sáng tạo được khách hàng nhiều nơi ưa thích, phát triển nghề tạo công ăn việc làm cho thế hệ trẻ tại địa phương…    
Nghệ nhân Trần Thị Huê và những sản phẩm đặc sắc

Đã ở cái tuổi 75, nghệ nhân dệt thổ cẩm Trần Thị Huê luôn trăn trở với phát triển của nghề dệt thổ cẩm.

Nhớ lại nhiều năm trước đây, khi ấy nhà nhà đều có khung cửi, người con gái Mường nào cũng biết xe tơ, dệt vải. Những tấm vải nhiều hoa văn đặc sắc được dệt nên còn là nơi thể hiện nét văn hóa gắn kết với cuộc sống nơi núi rừng hoang sơ của bản làng...

Tuy nhiên, do yếu tốt thị trường, người dân phải lo mưu sinh đã khiến nghề dệt thổ cẩm của người Mường dần mai một. Giờ đây, trang phục, vật dụng cho sinh hoạt rất sẵn và rẻ. Người con gái Mường không phải vất vả bên khung dệt nữa. Cũng chính vì lý do ấy, những cô gái Mường “thế hệ mới” đang đứng trước nguy cơ lãng quên dần nghề dệt truyền thống. Hiện chỉ còn một số ít xã ở Cẩm Thủy còn duy trì nghề dệt, như Cẩm Thành, Cẩm Lương (Cẩm Thủy); một số xã ở huyện Ngọc Lặc...

Trăn trở với việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp từ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, nghệ nhân Trần Thị Huê cùng hội người cao tuổi thôn Muốt đang tìm cách khôi phục, truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Từ việc tập hợp những nghệ nhân, phát động phong trào “mỗi nhà một khung cửi”, nghệ nhân Trần Thị Huê còn say mê tìm kiếm cơ hội đưa những sản phẩm thổ cẩm của người dân thôn Muốt hiện diện tại nhiều hội chợ để quảng bá cho sản phẩm của quê hương. Để đáp ứng thị hiếu và hợp với nhu cầu thị trường, nghệ nhân Trần Thị Huê phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm thổ cẩm. Đến nay, sản phẩm từ vải dệt thổ cẩm có thể may được các trang phục, vật dụng khá phong phú như áo, váy, thắt lưng, chăn, gối, đệm, khăn... Cầu kỳ, đặc sắc nhất trong hoa văn dệt thổ cẩm của người Mường là hình ảnh chim muông, núi, sông... tượng trưng cho cuộc sống gắn liền với núi, rừng hoang sơ của đồng bào dân tộc Mường.

Truyền nghề cho thế hệ sau

Nghệ nhân Trần Thị Huê chia sẻ: Gìn giữ, tìm lại chỗ đứng cho nghề dệt truyền thống là đam mê của tôi. Tuy nhiên, để làm được điều này không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Bên cạnh những nỗ lực của người truyền dạy, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng sản phẩm dệt cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm trong xu thế hiện đại cũng cần có những biến tấu đa dạng cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Người thợ dệt hôm nay cần biết kết hợp giữa nét văn hóa xưa và những giá trị hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, màu sắc phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ…

Đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm, nghệ nhân Trần Thị Huê đã được địa phương, các đoàn thể ghi nhận: - Bằng khen của Hội di sản văn hóa Việt Nam năm 2016; - Ban quản lý di tích chiến khu Ngọc Trạo và các di tích được xếp hạng huyện Thạch Thành xác nhận các sản phẩm thổ cẩm truyền thống bản sắc dân tộc Mường của nghệ nhân Trần Thị Huê hiện đang bán và trưng bày tại Chiến khu Ngọc Trạo, Thạnh Thành, Thanh Hóa...
Thư Linh