“Khoác áo mới” cho gốm truyền thống
Với bề dày lịch sử cả nghìn năm, tại làng gốm Bát Tràng, có nhiều dòng sản phẩm đa dạng. Trong 30 năm làm nghề, nghệ nhân Trần Đức Tân chọn cho mình một lối đi riêng, đó là chế tác sản phẩm gốm trang trí nội thất, đưa gốm truyền thống đi vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt của người Việt.
Nói đến gốm Bát Tràng, người ta sẽ hình dung ra những dòng men thời Lý, Trần, Lê, đó là những dòng chảy văn hóa in sâu vào tâm thức của người Việt. Nghệ nhân Trần Đức Tân chia sẻ: Tôi chọn dòng gốm nghệ thuật mang tính chất trang trí đương đại; thay đổi về màu sắc, họa tiết và kiểu dáng nhưng không mất đi các nét truyền thống của người Việt. Có thể nói, từ những nét truyền thống mà cách điệu, biến đổi, khoác cho nó một màu áo mới. Gốm của tôi có một chút hơi thở mới, đủ màu sắc để mình thể hiện sự sáng tạo trong sử dụng nội thất đương đại.
Nghệ nhân Trần Đức Tân đã nghiên cứu, sáng tạo để có những màu men riêng tạo họa tiết trang trí tinh xảo, đẹp mắt. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ, đôi lục bình men rạn cổ Bát Tràng… Điều đặc biệt, những tác phẩm thư pháp trên gốm của nhà nghệ nhân Trần Đức Tân đều do chính vợ của ông - nghệ nhân Nguyễn Thu Hằng chấp bút.
Sáng tạo hóa đất thành “vàng”
Trần Đức Tân không chỉ là một nghệ nhân mà còn là người nghệ sĩ, doanh nhân. Với ông, khi đảm đương những vai trò này, cần có trách nhiệm với nghệ thuật; đồng thời, có trách nhiệm quảng bá văn hóa, lịch sử làng nghề khi kinh doanh sản phẩm gốm sứ. Bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghề truyền thống cũng là điều ông luôn luôn tâm huyết.
Nói về nghề gốm, người nghệ nhân gắn bó với đất sét, bàn xoay từ tấm bé. Không giấu được lòng yêu nghề, ông nói: Nghề gốm là từ đất, từ những thứ như vô tri, mình tạo ra được bản vật, những sản phẩm trong đời sống mang tính mỹ thuật, để lại muôn đời. Có lẽ, chẳng ở đâu, người ta sống nhờ đất nhiều như ở ngôi làng Bát Tràng này. “Những người thợ có giao cảm với đất. Nếu không có những người yêu đất, yêu gốm, tôi nghĩ, nghề gốm không thăng hoa như bây giờ. Gìn giữ tinh hoa của nghề là điều mà những người làm gốm luôn đau đáu” - nghệ nhân Trần Đức Tân khẳng định.
Làm thế nào để giữ nghề, để phát triển nghề? Trả lời cho câu hỏi này, nghệ nhân Trần Đức Tân chia sẻ: Sống còn hay không là do mỗi người tìm cho mình một lối đi riêng. Mỗi người nghệ nhân có màu sắc của riêng mình. Người làm gốm chuyên nghiệp phải giữ được bản sắc ấy, đồng thời, phải hướng về thị trường. Thị trường cần gì, mình cung cấp cái đó, không những thế, phải không ngừng sáng tạo, chế tác sản phẩm mang hơi thở mới, thị trường mới chờ đợi sản phẩm của mình. Làm nghề phải sáng tạo mới có thể hóa đất thành “vàng”.
Nghệ nhân Trần Đức Tân tâm sự, mấy chục năm làm nghề nhưng hiện tại, ông vẫn cảm thấy mình đang dần “ngộ ra nghề”; cần học hỏi, sáng tạo nhiều hơn. Đối với ông, đã là “đứa con tinh thần”, tác phẩm mình làm ra, ông đều tâm đắc nó. Từ đó, muốn tạo ra những cái mới hơn, mang đến những sản phẩm có giá trị về công năng sử dụng, về mỹ thuật cũng như giá trị về văn hóa.
Sản phẩm của cơ sở gốm Đức Tân (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chủ yếu hướng đến thị trường trong nước; cung cấp sản phẩm đồ gốm nội thất cho các nhà chung cư, khách sạn, resort…; ngoài ra xuất khẩu đi nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ… |