Đẩy nhanh tiến độ để Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng sớm cung cấp điện
Nhiều điểm nghẽn làm chậm tiến độ thi công
Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (trực thuộc Tổng công ty Phát điện 1- GENCO1) quản lý vận hành Trung tâm điện lực Duyên Hải (thị xã Duyên hải, tỉnh Trà Vinh) gồm các NMNĐ than với tổng công suất là 3.178 MW. Trong đó, NMNĐ Duyên Hải 1 công suất 1.245 MW đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại từ tháng 1/2016; NMNĐ Duyên Hải 3 (1.245 MW) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại từ tháng 3/2017; và gần nhất là NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW) đã hoàn thành đưa vào chạy thử từ tháng 4/2020. Hệ thống cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 do Tập đoàn Janakuasa Malaysia đầu tư theo hình thức BOT.
Ông Nguyễn Nam Thắng - Phó Tổng giám đốc GENCO1 - cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải đã sản xuất được 7,2 tỷ kWh/16 tỷ/năm, trong đó NMNĐ Duyên Hải 1 sản xuất được 3,3 tỷ kWh/8 tỷ/năm; NMNĐ Duyên Hải 3 và NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng đạt 3,9 tỷ kWh/8 tỷ/năm.
Giám đốc NMNĐ Duyên Hải - ông Nguyễn Văn Thú - cho hay, hiện tại công ty được giao quản lý NMNĐ Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 và 3 mở rộng. Trong thời gian qua, việc vận hành gặp phải nhiều vướng mắc, chủ yếu là cơ sở hạ tầng dùng chung và việc khai thác nước mặt. Cụ thể, hiện tỉnh Trà Vinh cấp phép khai thác nước mặt là 20.000 m2/ngày đêm, trong khi lượng cần là 40.000 m3/ngày đêm. Mặt khác, cơ sở hạ tầng dùng chung do Cục Hàng hải thực hiện vẫn còn chậm, không có luồng cho tàu 20 tấn vào cảng. Nếu việc nạo vét không được tiến hành nhanh thì tới quý IV/2020, công ty sẽ không đủ nhiên liệu than để vận hành.
Đối với tiến độ thực hiện NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng, hiện đã chậm so với dự tính gần 2 năm, vì thế công ty đang rốt ráo thực hiện các hạng mục còn lại để sớm đưa nhà máy vào vận hành.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và đoàn công tác của Bộ Công Thương trực tiếp thị sát công trình xây dựng NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng |
Nói về độ trễ của tiến độ xây dựng MNNĐ Duyên Hải 3 mở rộng, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, do có sự thay đổi về công suất nhà máy từ 660 MW lên 688 MW nên Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp giấy phép, vì vậy những hạng mục công trình liên quan chưa được thực hiện.
Đại diện NMNĐ Duyên Hải 2 - ông Lê Lâm Phong - thông tin, do dịch Covid -19 nên chuyên gia chưa sang để làm việc với trạm truyền tải 4, vì vậy việc tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Theo dự kiến, tổ máy 1 sẽ bước vào vận hành vào tháng 6/2021, tổ máy 2 là tháng 9/2021. Nếu chuyên gia vào được thì tiến độ có thể sớm hơn 2 tháng vào tháng 4 đến tháng 6/2021. Do đó, ông Phong đề xuất, Bộ Công Thương và các cơ quan tạo điều kiện cho chuyên gia sớm nhập cảnh để làm việc.
Để giải tỏa những điểm nghẽn trong thực hiện các hạng mục của dự án, Phó Tổng giám đốc GENCO1 - ông Nguyễn Nam Thắng - kiến nghị Tập đoàn EVN và UBND tỉnh Trà Vinh làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để đẩy nhanh công tác nạo vét luồng chung cho tàu biển ra vào Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải; Kiến nghị UBND tỉnh Trà Vinh sớm xem xét và cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt kênh 3/2 từ 20.000 m3/ngày đêm lên 40.000m3/ngày đêm để đáp ứng nguồn nước vận hành các NMNĐ tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải.
Giải quyết nhanh các vướng mắc
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao sự cố gắng đảm bảo vận hành cung ứng điện trong thời gian vừa qua của Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải do đây là trung tâm điện lực có công suất lớn, lên tới 4.500 MW. Chỉ tính riêng 3 nhà máy thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì kế hoạch sản xuất điện đã lên tới 21 tỷ kWh/năm, nếu tính cả NMNĐ Duyên Hải 2 được đầu tư theo hình thức BOT 2 thì lên tới gần 30 tỷ kWh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, bên cạnh việc vận hành sản xuất hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải còn có những cải thiện tốt về môi trường. Đặc biệt là trong việc xử lý các vấn đề về tro xỉ. Giờ đây, tro xỉ không phải là thứ bỏ đi mà đã trở thành hàng hoá đem lại giá trị cao cho nhà máy. Với những nỗ lực đó, trong tương lai, đơn vị sẽ hướng tới xây dựng trung tâm điện lực xanh, sạch như kỳ vọng của người dân cũng như các đối tác liên quan.
Công nhân và các chuyên gia NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng |
Tuy nhiên, theo tính toán, từ nay đến năm 2025, việc cung ứng điện trong cả nước sẽ gặp nhiều khó khăn, nên nếu mỗi nhà máy vận hành sớm một chút sẽ đóng góp rất nhiều cho việc đảm bảo cung ứng điện. Chính vì vậy, để dự án triển khai nhanh hơn, an toàn hơn, đáp ứng tốt mục tiêu phục vụ điện cho đất nước, Thứ trưởng yêu cầu Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải cần nỗ lực hơn nữa trong việc xử lý những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, với NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng, cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý, giấy phép phòng cháy chữa cháy, giải quyết tranh chấp với các nhà thầu, giấy phép về môi trường… để sớm có thể hoàn thành dự án.
Đối với NMNĐ Duyên Hải 2 (đầu tư BOT), dự án đang được triển khai tốt và hy vọng sớm đưa vào vận hành. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chủ đầu tư vẫn cam kết tiến độ thực hiện. Theo đó, đề nghị chủ đầu tư tập trung nguồn lực con người, chuyên gia, vật tư thiết bị, tài chính để sớm hoàn thành dự án này. Riêng về cho chuyên gia nhập cảnh, đề nghị chủ đầu tư có văn bản gửi Bộ Công Thương, từ đó, Bộ sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh để đề nghị xem xét vấn đề cách ly các đội ngũ chuyên gia tại Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).
Với NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng, việc thay đổi công suất vận hành từ 660 MW lên thành 688 MW, Thứ trưởng đề nghị Cục Điện lực và năng lượng tái tạo có ý kiến để giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát nhanh, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá, Duyên Hải là trung tâm nhiệt điện lớn không chỉ của Trà Vinh mà của cả khu vực miền Tây Nam bộ với công suất 4.500 MW từ 4 NMNĐ. Trong quá trình xây dựng và vận hành vừa qua có sự điều phối, phối hợp tốt giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Để Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải trở thành một cơ sở nhiệt điện hoạt động an toàn, tin cậy thì hai bên cần phối hợp xây dựng quy chế vận hành chung. Đối với vấn đề môi trường, cần có đánh giá chung cho toàn bộ trung tâm về tác động tới môi trường xung quanh để có giải pháp xử lý thích hợp.