Đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa giá trị giáo dục nghề nghiệp

Trước yêu cầu để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về giá trị của giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhằm thay đổi nhận thức và tích cực tham gia vào hoạt động GDNN từ việc đăng ký tham gia học, quá trình dạy, đánh giá kết quả, việc làm sau đào tạo đến đầu tư để phát triển GDNN thì công tác truyền thông cần phải được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức để đưa thông tin đến người dân, xã hội mọi lúc, mọi nơi.
Tạo điều kiện và cơ hội thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp tại các trường cao đẳng thuộc Bộ

Theo thống kê của Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 5 tháng đầu năm 2021, ngành GDNN đã tích cực đổi mới công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Kết quả tuyển sinh trung cấp, cao đẳng, tính đến tháng 5/2021 đạt 29.369 người, bằng 5% kế hoạch năm 2021 và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, cao đẳng 11.213 người, trung cấp 18.156 người. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như: máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch…

Đối với đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, cả nước tuyển sinh, đào tạo cho hơn 200.000 người trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, đạt 16,9% kế hoạch năm (1.768 nghìn người), bằng 65,2% cùng kỳ năm 2020 (460 nghìn người), trong đó, số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 12.500 người.

Đặc biệt, trước tác động to lớn của dịch bệnh đến toàn xã hội, Tổng cục GDNN đã nhanh chóng tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tại các địa phương. Trong đó, Tổng cục đã đề xuất sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng tham gia các khóa đào tạo nghề để chuyển nghề, chống thất nghiệp. Trước mắt tập trung thực hiện đối với một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động và bị tác động nặng nề do dịch bệnh như dệt may, da giày, lắp ráp… theo hướng giảm điều kiện hỗ trợ…

Đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa giá trị giáo dục nghề nghiệp
Đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa giá trị giáo dục nghề nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, để giải quyết những khó khăn trong công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn cần tăng cường công tác truyền thông; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động trong điều hành, kiên trì thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Hiện, Kế hoạch truyền thông GDNN năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025 đã được ban hành và Tổng cục đang hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Trên tinh thần vì sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mới đây, Tổng cục GDNN vừa ban hành Quyết định số 270/QĐ-TCGDNN về việc xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN, hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN giai đoạn 2021 - 2025.

Quyết định được ban hành nhằm xây dựng, hình thành các không gian truyền thông GDNN rộng khắp, qua đó làm lan tỏa giá trị của GDNN tới toàn xã hội. Hình thành một hệ sinh thái truyền thông GDNN thống nhất để triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền thông, góp phần thúc đẩy phát triển GDNN phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tham gia vào hoạt động GDNN và truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng hình thành đội ngũ cộng tác viên truyền thông GDNN rộng khắp; tiến tới toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, nhà giáo, người lao động trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan quản lý, cơ quan giáo dục nghề nghiệp cùng thực hiện nhiệm vụ truyền thông GDNN.

Các nội dung xây dựng, phát triển không gian truyền thông GDNN gồm: xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, địa điểm cho truyền thông; đội ngũ cộng tác viên truyền thông; các nội dung truyền thông; các hoạt động, sự kiện truyền thông; các sản phẩm truyền thông GDNN. Quyết định cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Tổng cục GDNN; các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các cơ sở GDNN và các cơ sở có hoạt động GDNN … Theo quyết định, giai đoạn 2021 - 2022, các đơn vị sẽ tập trung xây dựng, phát triển không gian truyền thông GDNN; trong đó, chú trọng tới các không gian, sản phẩm. Giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục triển khai xây dựng không gian truyền thông GDNN kết hợp với việc hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN.

Ở Việt Nam, phát triển GDNN được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Tuy nhiên, với truyền thống khoa cử, GDNN ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đầy đủ theo đúng giá trị của GDNN. Do đó, truyền thông GDNN đúng hướng sẽ giúp lan tỏa những giá trị của GDNN đến với mọi đối tượng.

Trang Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội