Thứ hai 21/04/2025 13:59

Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm để chống hàng giả

Theo các chuyên gia, để đối phó với hàng giả, hàng nhái trên thị trường, công nghệ truy xuất nguồn gốc được xem là tối ưu trong bối cảnh hiện nay.

Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn

Tại hội thảo khoa học “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia" do Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) và Techfest Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 15/4, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp nhận định, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phổ biến trên thị trường.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng quy mô lớn đã làm xói mòn niềm tin và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Quang cảnh hội thảo khoa học. Ảnh: BTC

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Theo ông Trần Bá Dương - chuyên gia Đổi mới sáng tạo quốc gia, cố vấn cấp cao Tech Fesst - cho biết, trên thực tế trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp về chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng tem chống hàng giả, mã vạch, mã QR…Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi hơn, có tinh chất hệ thống và quy mô rất lớn.

“Tình trạng làm giả hiện nay không chỉ là sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Những phương pháp truyền thống (tem nhãn, mã vạch đơn thuần) không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR. Chúng ta cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa”, ông Dương đánh giá.

Tiến sĩ Bùi Văn Quyền - Viện trưởng Viện Chống gian lận thương mại và hàng giả Việt Nam - cũng cho rằng, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã được đề cập và thực thi suốt 30 năm nay nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

“Chúng ta cần phải làm rõ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là sự mong muốn của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp sản xuất cần phải minh bạch thông tin trong tất cả các khâu từ nguyên liệu vùng trồng, tiêu chuẩn đo lường, sở hữu trí tuệ...”, ông Quyền nêu và đề xuất cần phải có chế tài mạnh hơn nữa để răn đe các đối tượng sản xuất hàng, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng giải pháp công nghệ mới.

Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa được ban hành xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược mới của đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây là định hướng mang tính nền tảng và cấp thiết, tạo hành lang chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán lớn.

Các chuyên gia, nhà quản lý tại buổi hội thảo. Ảnh: BTC

Theo ông Trịnh Bá Dương, ở các nước trên thế giới, "bài toán" truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả, hàng nhái mô hình kết hợp ba công nghệ: RFID - Blockchain - AI được xem hoàn hảo và một số nước khu vực Đông Nam Á đã sử dụng rất hiệu quả.

“Thái Lan đã bắt đầu ứng dụng RFID kết hợp Blockchain trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, giúp theo dõi toàn bộ hành trình trái cây từ vườn đến cửa khẩu. Singapore đang triển khai nền tảng dùng AI để giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng. Ở Việt Nam, chúng ta đã có những doanh nghiệp tiên phong trong ngành dược và nông sản áp dụng RFID và truy xuất số hóa, tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành”, ông Dương lấy ví dụ.

Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) cho biết, cả nước đang thực hiện chương trình chuyển đổi số với 3 mục tiêu cơ bản là phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển Kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT ACTIV. Ảnh: BTC

Do đó, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu.

Hiện nay, các nước, các bên đều có quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để phục vụ cho việc áp mức thuế. Đối với Việt Nam, để các sản phẩm hàng hóa giữ vững được vị thế và phát triển thêm thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc có vai trò rất quan trọng.

“Do đó, doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn, doanh nghiệp phải đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng, mẫu mã, giá… Trên hết, cần có giải pháp để đưa đến tay người tiêu dùng hàng thật của doanh nghiệp, lúc đó, người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm của mình”, ông Thọ nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Công ty ACTIV đã giới thiệu ứng dụng "True Data" - một trong những là giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bằng công nghệ tiên tiến với vật mang dữ liệu là chip RFID, chíp lưu được thông tin các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh, gồm: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn và giải pháp có tính năng kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Đồng Lê
Bài viết cùng chủ đề: giải pháp truy xuất nguồn gốc

Tin cùng chuyên mục

Tick xanh trách nhiệm: Bước tiến mới cho nông sản Đà Lạt

Doanh nghiệp, người dùng hưởng lợi từ công nghệ truy xuất nguồn gốc

Lâm Đồng: Công bố mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng khu vực vùng sâu tại huyện Đam Rông

Xác thực số: Con tàu đưa nền thương mại Việt Nam tiến vào đại lộ thịnh vượng

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hợp tác xã, doanh nghiệp các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Long An

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu 7 giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt

Chàng trai 8x lên phố núi Đà Lạt liên kết với các nông hộ trồng 100ha cà phê hữu cơ

Top 10 Hãng sơn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam

Trang bị kiến thức quản lý chuỗi cung ứng, phát triển mẫu mã và bao bì sản phẩm

Đắk Lắk: Sẽ đấu giá 2 ‘nữ hoàng’ sầu riêng tại Lễ hội sầu riêng 2024

Bắc Giang triển khai quản lý rượu sản xuất trong nước bằng tem điện tử

Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động chống gian lận thương mại qua các cửa khẩu

Căng thẳng Iran - Israel: Doanh nghiệp logistics cần làm gì để vượt qua khó khăn?

Vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia từ tháng 6/2024

Sơn La: Quyết liệt đấu tranh với hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và câu chuyện khởi nghiệp của nhà khoa học trẻ

Bài cuối: Phát huy giá trị tài sản trí tuệ trong phát triển kinh tế

Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài

Bài 2: Nâng tầm giá trị quả vải thiều tại thị trường nước ngoài

Bài 1: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực