Đầu tư giáo dục: Tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Thêm nhiều chính sách ưu đãi
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Theo đề xuất tại dự thảo: Học sinh bán trú dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng. Cụ thể, với trẻ em nhà trẻ bán trú hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ. Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Đầu tư giáo dục tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi |
Học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn. Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 900.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Hỗ trợ tiền nhà ở cho mỗi học sinh, học viên phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường, hoặc do cần có sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt của người thân (sức khỏe yếu, khuyết tật, nhỏ tuổi) thì mỗi tháng được 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Mỗi học sinh, học viên cũng được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Riêng với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học: Nếu trong năm học đạt danh hiệu "Học sinh xuất sắc" được thưởng 800.000 đồng/học sinh; đạt danh hiệu "Học sinh Giỏi" được thưởng 600.000 đồng/học sinh.
Bên cạnh đó còn được trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm: Mỗi cấp học, học sinh được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn, các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí 1.080.000 đồng/học sinh.
Nghị định này đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, dự kiến bắt đầu thực hiện chính sách từ năm học 2024 - 2025.
Với quan điểm: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong đó, quan tâm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Đặc biệt sự ra đời Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thêm một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh tới việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi "Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách...".
Từng bước khẳng định chất lượng giáo dục vùng dân tộc
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước với hệ thống chính sách đặc thù, cơ sở vật chất, mạng lưới, quy mô trường lớp phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển đáng kể.
Hiện nay, toàn quốc có 1.149 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố, với quy mô 252.671 học sinh bán trú. Bên cạnh đó, còn có 2.176 trường phổ thông có học sinh bán trú ở 29 tỉnh/thành phố với quy mô 213.199 học sinh bán trú.
Đáng nói, đến nay, phần lớn các tỉnh miền núi đã xóa bỏ được phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.
Đặc biệt, từ khi có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được nâng lên rõ rệt.
Đối với các trường chuyên biệt, việc Chính phủ đã quyết định chuyển các trường: Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang, Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc là cơ hội để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc khẳng định, thời gian qua, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bằng nhiều chính sách cụ thể, phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk: Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 1.011 trường học các cấp, với 15.524 lớp. Trong đó, có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú. Hệ thống trường học hiện đã “phủ sóng” khắp các xã, thị trấn, bảo đảm căn bản nhu cầu học tập của học sinh.
Em H’Wion Srũk - học sinh lớp 8, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Chúng em coi trường học như là mái ấm của mình. Tại đây, ngoài được tiếp cận môi trường học tập thân thiện, hiện đại thì em và các bạn còn được hỗ trợ ăn, ở, đi lại rất chu đáo, gia đình không phải lo lắng nên có điều kiện học tốt hơn…
Thực tế, việc bảo đảm quyền học tập cho học sinh dân tộc thiểu số và các chính sách liên quan đã giúp ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ phát triển giáo dục đại trà, tạo chuyển biến tích cực trong giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thêm tin vui nữa, từ nay đến năm 2030, vùng vùng dân tộc thiểu số đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia riêng để người dân phát huy ý thức tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng thế mạnh, bản sắc của vùng dân tộc thiểu số để góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Trong đó có bố trí riêng một dự án đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, việc thực hiện chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ giáo dục so với hộ nghèo nói chung và so với cả nước. Nhiều địa phương chỉ chú ý đến quy hoạch về số lượng mà chưa chú ý điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất ở hầu hết các trường phổ thông dân tộc bán trú chưa được chú trọng đầu tư xây dựng…
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước cũng như vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Do đó, rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc truyền thông về thực hiện chế độ chính sách cho vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông có học sinh bán trú… Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của các trường chuyên biệt. Thực hiện linh hoạt chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện học tập của người học; gắn giáo dục với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương.
Một số mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước ở tất cả các cấp học; số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng) đạt từ 200 - 250 sinh viên/vạn dân. Đào tạo sau đại học cho người dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2030 là 0,7% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo, ưu tiên các dân tộc chưa có người ở trình độ sau đại học. |