Đánh giá những kết quả mà ngành rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được trong năm 2019, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: Mặc dù trong năm 2019 thị trường xuất khẩu có nhiều khó khăn, tuy nhiên theo dự báo, kết thúc năm 2019, xuất khẩu ngành này có thể tăng nhẹ khoảng 100.000 USD so với năm 2018 - đạt mức khoảng 3,9 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam |
“Nếu như trước đây xuất khẩu sang Trung Quôc chủ yếu qua đường tiểu ngạch thì năm 2019 bắt buộc phải chuyển qua chính ngạch. Vì thế doanh nghiệp buộc phải tuân thủ việc phải đăng ký vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đóng gói… Tính đến nay, mới chỉ có 9 mặt hàng đủ điều kiện xuất chính ngạch qua thị trường này, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng tới toàn ngành. Trong khi đó, ở các thị trường khác, việc đảm bảo và đáp ứng các tiêu chuẩn lại vô cùng khắt khe nên chỉ có những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn mới có thể xuất khẩu. Nếu như không có những khó khăn này thì có thể năm 2019, rau quả đã vượt con số 4 tỷ USD”, ông Nguyên phân tích.
Chế biến rau quả xuất khẩu |
Còn theo Bộ Công Thương, năm 2019 thực sự là một năm khó khăn với ngành hàng rau quả xuất khẩu, bởi Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam gia tăng các rào cản thương mại. Cụ thể là tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Mặc dù vậy, ngành hàng rau quả cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở một số thị trường như ASEAN tăng 26,6% (đạt 146,4 triệu USD), Hoa Kỳ tăng 10,7% (đạt 124,6 triệu USD), EU tăng 32,2% (đạt 121,7 triệu USD)… - là tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp trong ngành đang từng bước khắc phục điểm yếu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Về triển vọng năm 2020, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu vào khoảng 5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2019. Mục tiêu này có cơ sở đạt được bởi năm 2020 Việt Nam đã thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương nên sẽ có thuận lợi về thuế quan.
Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước, việc sản xuất, chế biến rau quả cũng có một số thuận lợi nhất định do người nông dân bắt đầu quen và đưa vào thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… cho vùng nguyên liệu. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho người nông dân trồng theo hướng an toàn VietGAP, Global GAP để cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt kỹ thuật cao, ngày càng được doanh nghiệp, các cơ quan chức năng chú trọng. Những yếu tố này sẽ góp phần quan trọng vào vấn đề giải quyết chất lượng đầu vào cho vùng nguyên liệu của rau quả Việt Nam, theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với việc giải quyết vấn đề vùng nguyên liệu, để đạt mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch, Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng đã phân bổ chỉ tiêu cho từng thị trường xuất khẩu chính như: EU, Trung Quốc.
Đơn cử ở thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường quan trọng, truyền thống nên hiệp hội sẽ tuyên truyền để có thêm nhiều doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu mà cơ quan chức năng nước này đặt ra đối với 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch. Hay với thị trường EU, Nhật Bản… lâu nay vẫn được nhận định là thị trường có yêu cầu khắt khe nên người nông dân, doanh nghiệp phải chú trọng hơn trong sản xuất để sản phẩm luôn đạt chất lượng cao nhất.
Kỳ vọng đạt kim ngạch 5 tỷ USD mà ngành rau quả đưa ra có thể cao nhưng trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hàng loạt FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… ngành này được nhận định sẽ có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu qua những thị trường mới. Đồng thời với sự chủ động đầu tư gia tăng sản xuất, chế biến sâu của nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng được cho là động thái tích cực đáp ứng xu thế ngày càng cao của thị trường.