Đáp ứng quy tắc xuất xứ trong VJEPA: Điều kiện tiên quyết
Xuất xứ khắt khe
Cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, VJEPA quy định rất cụ thể về quy tắc xuất xứ. Trong đó, hàng hóa được xác định có xuất xứ khi: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên; đáp ứng các quy định trong trường hợp sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ; được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên từ những nguyên liệu có xuất xứ của nước thành viên và đáp ứng tất cả các quy định khác.
Quy tắc xuất xứ trong VJEPA giúp Việt Nam đẩy cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản |
Riêng hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là có xuất xứ khi: Có hàm lượng giá trị nội địa (LVC) không nhỏ hơn 40% và công đoạn sản xuất cuối cùng để tạo ra hàng hóa đó được thực hiện tại nước thành viên; tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa tại nước thành viên trải qua một quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) ở cấp độ 4 số theo Hệ thống hài hòa.
Hàng hóa thuộc danh mục Quy tắc sản phẩm cụ thể được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng quy định tại Phụ lục 2 trong VJEPA. Trường hợp một quy tắc sản phẩm cụ thể quy định việc lựa chọn áp dụng một trong các tiêu chí như LVC, CTC, công đoạn gia công chế biến hàng hóa, hoặc quy định cần có sự kết hợp các tiêu chí này, người xuất khẩu của nước thành viên được lựa chọn một tiêu chí phù hợp để xác định xuất xứ hàng hóa.
Cùng đó, hàm lượng LVC của một sản phẩm tính theo công thức quy định tại Điều 5 không được nhỏ hơn tỷ lệ phần trăm cụ thể quy định cho sản phẩm đó. Các tiêu chí CTC hoặc công đoạn gia công chế biến hàng hóa chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ.
Hiệp định cũng quy định tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí CTC. Trong đó, hàng hóa không đáp ứng tiêu chí CTC vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu: Hàng hóa thuộc các chương 16, 19, 20, 22, 23, từ chương 28 đến chương 49 và từ chương 64 đến chương 97 thuộc Hệ thống hài hòa có tổng giá trị của nguyên liệu không có xuất xứ, không đạt tiêu chí xuất xứ CTC không vượt quá 10% giá trị FOB của hàng hóa đó; hàng hóa thuộc các chương 9, 18 và 21 có tổng giá trị của nguyên liệu không vượt quá 10% hoặc 7% giá trị FOB; hàng hóa thuộc chương 50 đến chương 63 có trọng lượng của nguyên liệu không vượt quá 10% của tổng trọng lượng hàng hóa. Ngoài ra, hàng hóa phải đáp ứng tất cả các tiêu chí khác để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ.
VJEPA cũng quy định cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa ở nước thành viên khác được coi là nguyên liệu có xuất xứ của nước thành viên nơi diễn ra công đoạn gia công, chế biến hàng hóa đó.
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, quy tắc xuất xứ chặt chẽ cộng với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại thị trường Nhật Bản cao khiến VJEPA sau hơn 10 năm được ký kết có tỷ lệ tận dụng ưu đãi không cao, ngay cả với một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Đơn cử mặt hàng tôm, thị trường Nhật Bản rất mở với mặt hàng này nhưng do một số doanh nghiệp đã bị "tuýt còi" về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn tới việc kiểm tra và giám sát gắt gao mặt hàng tôm của Việt Nam.
Doanh nghiệp chủ động tìm hiểu cơ chế, chính sách
Để tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VJEPA việc đáp ứng quy tắc xuất xứ là điều kiện tiên quyết. Nhất là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực đã mở rộng hơn nữa cơ hội tăng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Ngành da giày tận dụng nhiều C/O ưu đãi |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Nhật Bản quyết định mở cửa thị trường nông sản, giảm thuế cho các mặt hàng xưa nay bảo hộ cao. Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng tỷ trọng xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản, chuyển cấp nền nông nghiệp sang các mặt hàng giá trị gia tăng cao, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, muốn nắm bắt cơ hội, chúng ta buộc phải thay đổi, chủ động hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ chế cấp C/O mẫu quy tắc xuất xứ, chủ động tìm hiểu các cơ chế, chính sách, cũng như tìm các đối tác phù hợp, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời. Nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là vệ sinh, an toàn thực phẩm của nông - thủy sản theo Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm của Nhật Bản. Đồng thời, có chiến lược tiếp cận thị trường, đặt mối quan hệ làm ăn lâu dài với khách hàng Nhật Bản; tích cực khai thác triệt để sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, cơ quan đại diện ngoại giao tại Nhật Bản tìm cơ hội kinh doanh.
Về phía Bộ Công Thương, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ rào cản để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, trong đó có VJEPA; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, quý I/2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,88 tỷ USD sang Nhật Bản, trong đó, dệt may và da giày là 2 ngành có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi tương đối khá. |