Nhà thờ Lớn Hà Nội - công trình kiến trúc cổ độc đáo
Nhà thờ Lớn Hà Nội có tên đầy đủ chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, nằm ở số 40, ngay ngã ba giao giữa ba con phố: Nhà Chung, phố Nhà Thờ và phố Lý Quốc Sư, thuộc quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu (Ảnh: Diệu Linh) |
Nhà thờ Lớn Hà Nội mang phong cách cách tân Gothic của thế kỷ 19 với các tháp và trục đối xứng điển hình ở châu Âu. Công trình kiến trúc đặc biệt này có chiều dài 64,5m với tháp chuông cao đến 31,5 m. Lúc bấy giờ, đây là một công trình kiến trúc độc đáo và hoành tráng nhất nhì khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Nhà thờ Đức Bà - điểm nhấn của thành phố mang tên Bác
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn được xây dựng vào ngày 7/10/1877, bởi Giám mục Isodore Comlombert. Kiến trúc của nhà thờ là sự kết hợp giữa phong cách Roman và Gothic nên mang đậm nét cổ điển và sang trọng. Nơi đây được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư J.Bourard bao gồm thánh đường, tháp chuông và công viên.
Kiến trúc của nhà thờ Đức Bà là sự kết hợp giữa phong cách Roman và Gothic (Ảnh: Focus Asia Travel) |
Sau hơn 1 thế kỷ xây dựng, nhà thờ này vẫn giữ được nét cổ kính vốn có của nó và mang một vẻ đẹp khác biệt giữa thành phố xa hoa, nhộn nhịp. Chính vì vậy, nơi này luôn là điểm đến hàng đầu của nhiều du khách khi ghé thăm TP. Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Tân Định TP. Hồ Chí Minh
Nhà thờ Tân Định là một trong những nhà thờ Công giáo nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh, có tên gọi chính thức là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đây là một trong hai nhà thờ được xây dựng từ rất sớm nhất và cũng có quy mô lớn nhất tại thành phố. Nhà thờ Tân Định thuộc giáo xứ Tân Định, cách Dinh Độc Lập khoảng 1,7km, tọa lạc tại số 289 đường Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Tân Định tổng thể mang phong cách kiến trúc Gothic, nhưng các chi tiết trang trí lại mang chút Roman và Baroque (Ảnh: giaoxutandinh) |
Nhà thờ Tân Định là một trong những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm màu sắc Gothic ấn tượng, vô cùng hiếm thấy ở các nhà thờ tại Việt Nam hiện nay. Công trình này chính thức được khởi công vào năm 1870, khánh thành vào năm 1876. Tổng thể công trình mới đầu có màu vàng nhạt, sau nhiều lần tô sửa đã được phủ lên một màu hồng phấn khác biệt. Mặt tiền của nhà thờ gồm một tháp chính kèm với hai tháp phụ.
Chính màu sắc đặc biệt của công trình này đã khiến cho cái tên nhà thờ Tân Định nhanh chóng được chú ý và in sâu vào tiềm thức của những người dân TP. Hồ Chí Minh thuở bấy giờ. Dù mang đậm phong cách kiến trúc Gothic nhưng nhiều chi tiết của nhà thờ vẫn được trang trí theo hướng Roman và Baroque.
Nhà thờ đá Phát Diệm - Ninh Bình
Nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhà thờ đá Phát Diệm được biết đến với tuổi đời xây dựng lâu năm và sở hữu thiết kế giao qua giữa Phật Giáo cùng Công Giáo rất ấn tượng. Nhà thờ đá Phát Diệm nằm cách TP. Ninh Bình khoảng 28 km về phía Nam và có diện tích 22ha, rộng khoảng 117m, dài 243m.
Tất cả các công trình của nhà thờ đá Phát Diệm được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương” (Ảnh: ninhbinhlegend) |
Các công trình của nhà thờ đá Phát Diệm có không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét. Trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á Đông “Tiền có thủy, hậu có sơn”, mang ý nghĩa mong cho mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.
Sau nhiều thập kỷ xây dựng, nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp ấn tượng pha trộn giữ phong cách Á - Âu và thu hút được lượng lớn khách du lịch đến thăm quan mỗi năm.
Nhà thờ Đền thánh Kiên Lao - Nam Định
Nhà thờ Đền thánh Kiên Lao nằm ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định. Nhà thờ này rất lớn, giáo dân đông đúc và giàu có vào bậc nhất trong Giáo phận.
Kiến trúc nhà thờ Đền Thánh Kiên Lao có kiến trúc như một tòa lâu đài (Ảnh: kienlao.net) |
Nhà thờ được thiết kế và trang trí bằng các bức tượng đắp nổi, phỏng theo nhà thờ Đức Mẹ Bùi Chu, được những người dân theo Đạo cùng các nghệ nhân từ những gia đình nông thông trong vùng xây dựng và thiết kế nên. Điểm nổi bật trong kiến trúc của nhà thờ lớn này chính là mái hình cầu rộng và tháp chuông cao nằm giữa các thôn làng bên cạnh dòng sông trong xanh, tạo nên một điểm nhấn cổ kính thanh bình cho không gian nơi đây.
Nhà thờ gỗ Kontum
Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên tọa lạc đường Nguyễn Huệ, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum, được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 thì hoàn thành và còn tồn tại đến ngày nay. Nhà thờ chính tòa Kon Tum do chính một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng xây dựng.
Nhà thờ có kiến trúc độc đáo hoàn toàn bằng gỗ (Ảnh: tourtaynguyen) |
Vật liệu để xây dựng lên nhà thờ cũng rất đặc biệt, không phải bằng đá như nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), cũng không phải bằng gạch hay bê tông cốt thép như những nhà thờ khác mà hoàn toàn bằng gỗ tốt nhất thời bấy giờ. Cà chít (sến đỏ) – loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng nhà thờ. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… công trình đã được dựng lên, các tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Nhà thờ là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
Nhà thờ Domaine De Marie - dấu ấn châu Âu giữa lòng Đà Lạt
Nhà thờ Domaine de Marie nằm trên đường Ngô Quyền, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 1 km về phía Tây Nam, là một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Khuôn viên nhà thờ tọa lạc trên đồi Mai Anh nên còn có tên nhà thờ Mai Anh.
Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc Châu Âu thế kỷ 17 (Ảnh: Traveloka) |
Ấn tượng đầu tiên mà nhà thờ Domaine De Marie mang đến chính là nét đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu, được xây trên diện tích rộng lên đến 12ha. Điểm đặc biệt mà hẳn ai cũng bất ngờ khi biết đến chính là nhà thờ không dùng xi măng mà sử dụng các loại chất kết dính tự nhiên khác như vôi, mật mía, tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ.
Nhà thờ Domaine De Marie đã nuôi rất nhiều trẻ em mồ côi và cũng dạy nghề dệt, thêu, vẽ tranh cho các em. Phía sau nhà thờ là mộ phần của phu nhân Jean Decoux, để ghi nhớ người đã có công xây dựng nhà thờ và cũng hoàn thành tâm nguyện của bà. Phu nhân đã ra đi trong một vụ tai nạn trên đèo Prenn vào năm 1944 trong chuyến đi từ Sài Gòn đến Đà Lạt.
Nhà thờ Con Gà - Đà Lạt
Nhà thờ Con Gà hay còn được gọi là Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt Nicola Bari, là một trong những công trình đặc biệt của TP. Đà Lạt. Có tọa lạc trên đường Trần Phú, trung tâm thành phố Đà Lạt thì người dân nơi đây thường gọi đây là nhà thờ Con Gà bởi trên đỉnh tháp chuông của nhà thờ có hình con gà lớn độc đáo, một biểu tượng của người Pháp đã xây dựng lên để lại, đồng thời theo kinh thánh phần Tân Ước đây chính là biểu tượng của sự sám hối.
Nhà thờ Con Gà xây dựng theo lối kiến trúc Roman độc đáo (Ảnh: mia.vn) |
Nhà thờ Con Gà ở Đà Lạt được xây dựng từ năm 1931 và được hoàn thành vào năm 1942 do người Pháp xây dựng theo lối kiến trúc Roman độc đáo. Nhà thờ được xây dựng theo hình chữ thập, dài 65m, cao 47m cả mặt đứng và mặt bằng đều được xây dựng cân đối với nhau. Bên cạnh đó, với độ cao này khi đứng từ tháp chuông mọi người có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh TP. Đà Lạt.
Nhà thờ Phủ Cam – Thừa Thiên Huế
Nhà thờ Phủ Cam nằm trên ngọn đồi nhỏ có tên là Phước Quả, thuộc phường Phước Vĩnh, ở bờ Nam sông Hương, TP. Huế. Công trình có một vị trí đẹp, với không gian rộng lớn, xung quanh có nhiều công trình khác của Giáo hội. Đây là một trong những giáo đường lớn nhất, nổi tiếng nhất xứ Huế và có lịch sử khá lâu đời.
Nhà thờ Phủ Cam - nhà thờ Huế nổi tiếng và lớn bậc nhất xứ kinh kỳ (Ảnh: Ơi Huế) |
Nhà thờ Phủ Cam là một công trình có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc; và đây cũng là một tác phẩm tiêu biểu, quý giá của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ để lại cho thành phố Huế, cùng với những công trình khác như: Viện Đại học Huế, Đại học Sư phạm Huế, Khách sạn Hương Giang, Khách sạn Century… Công trình là một dấu ấn kiến trúc hiện đại và xứng đáng là một di sản thời đại mới của Huế.