Đà Nẵng: “Sức khỏe” của doanh nghiệp quyết định sự phục hồi của nền kinh tế
Dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng kinh tế cũng bị tác động tiêu cực
Sáng 24/9, TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp năm 2021” (khối doanh nghiệp trong nước) nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hiến kế của doanh nghiệp để cùng nghiên cứu, tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng trở lại hoạt động trong thái bình thường mới.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã tập trung nêu các khó khăn do dịch Covid - 19 gây ra, tập trung ở việc chi phí gia tăng, chi phí cố định (thuế, nợ ngân hàng, bảo hiểm y tế...), khó khăn đi lại (nhất là ra vào thành phố), khó khăn về đào tạo và tuyển dụng nhân lực,....
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Lê Trung Chinh, từ ngày 3/5 đến nay là khoảng thời gian khó khăn và thách thức đối với thành phố do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp.
Từ ngày 16/8, thành phố đã thực hiện đợt phong tỏa “chưa từng có trong tiền lệ”, toàn thành phố đã tạm dừng hầu hết mọi hoạt động, thực hiện triệt để biện pháp “ai ở đâu ở yên đó”; đồng thời áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% nhằm duy trì sản xuất tối thiểu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động của doanh nghiệp.
Với những nỗ lực đó, hiện thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở lại các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, việc triển khai các mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” được biết đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều rất chủ động xây dựng phương án thích nghi với bối cảnh dịch bệnh và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. “Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã giúp thành phố đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Chinh nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng thừa nhận các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể.
Siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn |
Đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ
Đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh, tính đến ngày 14/9, thành phố đã hỗ trợ được 11.275/12.527 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động với tổng số tiền 16,7 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ riêng của thành phố.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho các đối tượng tại TP. Đà Nẵng đã thực hiện là gần 76,74 tỷ đồng.
Ngoài ra Liên đoàn lao động thành phố đã hỗ trợ cho hơn 7.300 người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng; hỗ trợ 10.000 suất nhu yếu phẩm cho người lao động khó khăn bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Các chương trình hỗ trợ về miễn giảm lãi, cho vay mới, hỗ trợ về thuế (giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế…) được triển khai có hiệu quả.
Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tính đến ngày 20/9/2021, thành phố đã tiêm 565.252 liều; trong đó 490.449 người đã tiêm 01 mũi (59,3%); 74.520 người đã tiêm 02 mũi (9,01%). Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn (trên 2.000 người) và các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vận tải, hàng không, dược, vật tư, trang thiết bị y tế…
Không để doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, dù đã nỗ lực, tuy nhiên, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, thành phố xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế thành phố |
Trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu đến cuối năm 2021 đạt 100% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã có quyết định, dự kiến, thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung. Hỗ trợ 30% lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng (tháng 10-12/2021) cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.
Hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm người lao động cho doanh nghiệp trong 3 tháng cuối năm 2021 (mức độ xét nghiệm căn cứ theo Kế hoạch phòng chống dịch và khôi phục kinh tế của thành phố);
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh với lãi suất 0% trong thời hạn không quá 24 tháng.
TP. Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành hỗ trợ thành phố ở một số lĩnh vực như ưu tiên nguồn vaccine; đề nghị điều chỉnh cơ cấu nợ kéo dài thành 24 tháng (thay vì 12 tháng như hiện nay); đề nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của các doanh nghiệp trong năm 2021; miễn giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp trong quý III & IV/2021; giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/9 – 31/12 cho các doanh nghiệp dịch vụ - du lịch....; có chính sách miễn, giảm, chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định: Thành phố xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển. "Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”, ông Lê Trung Chinh nói.
UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng “cơ sở lưu trú du lịch” áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất. |