Đà Nẵng: Người dân thấp thỏm, lo lắng sống dưới chân đập Hố Dư
Cứ mưa lớn là người lớn nghỉ làm, trẻ con nghỉ học
Trong đợt mưa lớn hồi tháng 10/2022 tại TP. Đà Nẵng, đập Hố Dư (hồ Hố Dư, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bị vỡ gây lũ ống, cuốn trôi nhiều tài sản, đồ đạc của người dân.
Tháng 10/2022, đập Hố Dư vỡ gây lũ ống đánh sập hoàn toàn nhà bà Đỗ Thị Thanh Hoa |
Hiện nay, TP. Đà Nẵng không có chủ trương sẽ làm lại đập, nên sau mỗi trận mưa lớn, nước từ trên núi sẽ đổ thẳng xuống các hộ dân tổ 2, thôn Thạch Nham Đông sống dưới chân đập hố Hố Dư.
Bà Đỗ Thị Thanh Hoa - hộ gia đình bị trận lũ ống hồ năm 2022 đánh sập nhà - hiện đã xây cất nhà mới kiến cố, chắc chắn hơn. Nhưng cứ đến mùa mưa, gia đình bà và 13 hộ dân tổ 2 lại sống trong cảnh thấp thỏm, nớm nớp lo lắng khi có dự báo mưa lớn. “Cứ mưa là ngập, nước từ trên núi đổ dồn xuống hết đây. Ngay trận mưa hôm 5/11 mới đây, nước cũng dâng ngập sâu và vào đến cửa nhà tôi dù gia đình tôi đã làm nền cao hơn rất nhiều. Nước trên núi đổ dồn một lúc nhiều, nước chảy mạnh suýt cuốn trôi một người trong tổ này (ông Nguyễn Đắc Sơn - PV), may mà có người phát hiện kịp hô hoán mọi người ra cứu” - bà Hoa kể.
Kiệt 11 (tổ 2, thôn Thạch Nham Đông) bị ngập rất nguy hiểm vì nước chảy siết, nước đục ngầu không phân định được đường đi và cống thoát nước (Ảnh: Bên trái chụp sáng 6/11, bên phải: ông Đinh Duy Thiên chụp sáng 5/11 khi mưa lớn) |
Ông Đinh Duy Thiên (hộ dân tổ 2) cho biết, trong ngày 5/11, chỉ mưa khoảng 3 giờ đồng hồ, nước đã dâng cao đến cửa nhà. “Các hộ dân phía trong đây nền rất cao mà nước cũng dâng lên đến mép cửa. Không ai dám ra khỏi nhà, vì nước chảy rất siết nên cứ mưa lớn là người lớn nghỉ làm, trẻ con nghỉ học”, ông Thiên nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Trưởng thôn Thạch Nham Đông, từ sau khi đập Hố Dư vỡ, khi trời mưa không có đập ngăn bớt lưu lượng nước đổ xuống chân núi nên nước đổ toàn bộ xuống chân núi cùng lúc. Lượng nước rất lớn nhưng tất cả lại đổ về 1 cống thoát nước (rộng khoảng gần 1m) (ngay phía ngoài cổng nhà bà Hoa). “Nước quá nhiều, cống nhỏ không kịp thoát nên nước dâng lên ngập rất nhanh và chảy siết. Cứ mỗi lần mưa chúng tôi lại phải xuống điểm ngập này đầu tiên vì ngập sâu và rất nguy hiểm” - ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, đại diện thôn Thạch Nham Đông đã nhiều lần kiến nghị, ý kiến đến UBND xã cũng như chính quyền các cấp, tuy nhiên, vẫn chưa chính thức có chủ trương và thời gian cụ thể để giải quyết vấn đề này. “Người dân sống ở khu vực này rất lo lắng và nguy hiểm. Thôn Thạch Nham Đông mong muốn thành phố sẽ dành sự quan tâm, sớm có phương án, thời gian cụ thể triển khai các giải pháp để khơi thông thoát nước, chống ngập cho người dân” - Phó Trưởng thôn Thạch Nham Đông kiến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Trưởng thôn Thạch Nham Đông (áo trắng) - cho biết, cứ mưa lớn toàn bộ nước trên núi vị trí hồ Hố Dư cũ sẽ đổ dồn xuống tổ 2 thôn Thạch Nham Đông |
Dự kiến làm hệ thống thoát nước xuyên đường
Trao đổi với phóng viên về những kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Đăng Tường - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn - cho biết, hồ Hố Dư trước đây được xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp trồng lúa của xã và góp phần giảm lũ.
Năm 2022, đập Hố Dư vỡ. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp đã không còn sản xuất lúa, mà chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nước tưới sẽ từ nguồn giếng khoan. Qua lấy ý kiến người dân đã thống nhất không xây lại hồ Hố Dư.
Nhưng cũng vì vậy nên khi có mưa, nước trên núi sẽ đổ dồn xuống các hộ dân phía chân núi và chỉ có 1 đường thoát nước là qua cống thoát nước qua đường Trường Sơn (Quốc lộ 14B). Do cống thoát nước có khẩu độ nhỏ, nước thoát rất chậm, không đảm bảo thoát nước nên nước sẽ tràn vào nhà dân. Theo đại diện UBND xã Hòa Nhơn, xã đã có kiến nghị đến UBND huyện Hòa Vang và thành phố về việc đầu tư hệ thống thoát nước ở khu vực này.
“Chủ trương là sẽ làm cống thoát nước có khẩu độ lớn hơn. Tuy nhiên, do cống thoát nước này băng qua đường Trường Sơn (Quốc lộ 14B) nên còn cần phải làm việc với Bộ Giao thông vận tải. Cũng vì vậy, hiện chưa biết thời gian cụ thể sẽ triển khai. Chúng tôi cũng mong chủ trương làm hệ thống thoát nước qua đường Trường Sơn sớm được thực hiện để ổn định đời sống nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Đăng Tường kiến nghị và thông tin thêm, trước mắt, để hạn chế ngập sâu khi mưa lớn, UBND xã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hòa Vang hạ thấp vỉa hè (đoạn trước cửa cống, kiệt 11 đường Trường Sơn, thuộc Tổ 2) để khi nước không kịp thoát qua cống và dâng lên sẽ băng qua vỉa hè, giảm bớt lượng nước. “Đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài cần sớm đầu tư hệ thống thoát nước bài bản” - ông Tường nói.
Lưu lượng nước lớn nhưng tất cả lại chỉ có 1 cống thoát nước rộng chưa đến 1m |
Hồi tháng 10/2024, trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến đề xuất giải pháp thoát nước qua đường Trường Sơn, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, trước mắt, UBND thành phố đề nghị UBND huyện Hòa Vang tiếp tục triển khai phương án khơi thông dòng chảy từ hồ Hố Dư đến các tuyến cống qua đường Trường Sơn và thoát ra sông Cẩm Lệ.
Về lâu dài, để đảm bảo thoát nước, an toàn cho người dân, UBND TP. Đà Nẵng đã có chủ trương cho triển khai các giải pháp thoát nước cụ thể tại khu vực gồm 3 vị trí (Vị trí 1 bên cạnh cửa hàng xăng dầu Mười Phước; vị trí 2 gần Trạm cảnh sát giao thông - đoạn giáp với đường dẫn lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; và vị trí 3 bên cạnh xưởng cơ khí Tín Trung).
Riêng đối với vị trí 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng nghiên cứu tổ chức lập chủ trương đầu tư dự án với quy mô: Đầu tư, cải tạo thay thế tuyến cống D1500 qua đường Trường Sơn bằng tuyến cống hộp BTCT khẩu độ dự kiến (3000 x 2000)mm dài 45,0m và đoạn cống hộp nối tiếp phía hạ lưu khẩu độ (3000 x 2000)mm dài 17,0m (nối từ hạ lưu cống qua đường Trường Sơn đến tuyến kênh thoát nước thuộc dự án Khu tái định cư Hòa Nhơn).