Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng: Xử lý nghiêm tình trạng buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng: Năm 2024, xử lý 81 đơn vị vi phạm trong kinh doanh thuốc lá |
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, kéo theo nguy cơ bùng phát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng (Cục QLTT) đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, cũng như duy trì sự ổn định của thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Thông tin từ Cục QLTT thành phố cho biết, từ tháng 11/2024, thị trường buôn bán hàng hóa trở nên sôi động, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, gia dụng, thời trang, trang trí Tết. Đây cũng là thời điểm nhiều hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện. Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, lực lượng QLTT thành phố đã tăng cường kiểm tra đột xuất các khu vực trọng điểm như chợ Hàn, chợ Cồn, siêu thị lớn, các cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhiều sai phạm.
Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra đột xuất các khu vực trọng điểm. Ảnh: Tiểu Yến |
Đơn cử, tại tuyến đường Trần Nhân Tông, Vương Thừa Vũ (quận Sơn Trà), Đội QLTT số 4 đã thu giữ hàng trăm túi xách, giày dép giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Adidas. Số hàng hóa này được xác định là không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, tại quận Thanh Khê, Đội QLTT số 3 phát hiện, xử lý 271 đôi dép nhái thương hiệu Crocs, đồng thời hoàn tất hồ sơ trình cấp trên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55 triệu đồng… Những vụ việc này không chỉ góp phần ngăn chặn hàng hóa vi phạm giả lưu thông trên thị trường dịp cuối năm mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hộ kinh doanh.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục QLTT thành phố Đà Nẵng cho biết, trước diễn biến phức tạp của thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 2/2025, trong đó tập trung cao điểm từ ngày 07/11/2024 đến 21/01/2025. Cụ thể, đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý, rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo dõi, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, thời trang, gia dụng, nhu yếu phẩm nhằm sớm phát hiện hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt trên môi trường internet, mạng xã hội.
Theo ông Sơn, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng ra quân triển khai, đơn vị đã kiểm tra 79 trường hợp, qua đó phát hiện, xử phạt 38 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, Cục QLTT thành phố phối hợp chặt chẽ cơ quan, đơn vị trong đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm, đồng thời giám sát việc thực hiện cam kết đã ký đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về thực hiện niêm yết giá, không sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… “Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được nhắc nhở về việc không buôn bán hàng giả, hàng nhái, trong khi người dân được hướng dẫn cách nhận biết hàng hóa chính hãng và khuyến khích tố giác các hành vi vi phạm. Những nỗ lực này đã tạo ra hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng một thị trường hàng hóa minh bạch và an toàn hơn trong dịp Tết”, ông Sơn khẳng định.
Hướng đến một thị trường minh bạch và an toàn
Những nỗ lực kiểm tra, giám sát và bình ổn thị trường của Cục QLTT thành phố ngoài ngăn chặn hành vi vi phạm, còn hướng đến xây dựng một thị trường minh bạch hơn - nơi người tiêu dùng được bảo đảm quyền lợi khi mua sắm, trong khi các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ảnh: Tiểu Yến |
Được biết, trong thời điểm hiện nay, lực lượng QLTT tập trung kiểm tra những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như rượu, bia, thuốc lá, lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh, mặt hàng thời trang, gia súc, gia cầm. Đồng thời, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, website và mạng xã hội… Thông qua công tác phối hợp các sở, ngành liên quan, hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng nhái, hàng giả đạt nhiều kết quả khả quan. Cục trưởng Cục QLTT thành phố Phạm Ngọc Sơn cho biết, công tác QLTT luôn nhận sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp, ngành Trung ương đến địa phương.
Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng được duy trì thường xuyên, hiệu quả, hiệu lực. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gặp không ít khó khăn do các đối tượng kinh doanh thường sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau hoặc tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet hoặc không công khai địa điểm kinh doanh.
Chưa kể, không ít đối tượng bán hàng thông qua hình thức phát trực tiếp (live stream) trên mạng xã hội nhưng không trữ hàng hóa tại điểm bán hàng, chỉ thực hiện giao dịch sau khi khách chốt đơn và nội dung phát trực tiếp được xóa bỏ ngay sau đó gây khó khăn trong việc xác minh thông tin, truy vết đối tượng. Để ứng phó với những thách thức từ sự phát triển của thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trực tuyến, Cục QLTT thành phố đã và đang áp dụng nhiều biện pháp công nghệ như truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua mã QR, kết hợp sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu để theo dõi, phát hiện các bất thường trong giao dịch trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT, thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 hứa hẹn ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. “Đảm bảo sự ổn định của thị trường không chỉ là nhiệm vụ trong dịp Tết mà còn là mục tiêu lâu dài của chúng tôi, nhằm mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng và sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh.