Thứ ba 26/11/2024 08:39

Cựu binh ở Nghệ An thoát nghèo lên giàu có nhờ cây "sâm người nghèo"

Mô hình trồng cây đinh lăng - "sâm người nghèo" trong nhà lưới của cựu binh Nguyễn Ngọc Trung ở Nghệ An đã thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhờ lo được đầu ra ổn định cho hàng ngàn gốc cây đinh lăng, loài cây được ví như "sâm người nghèo", sau nhiều năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cựu binh Nguyễn Ngọc Trung ở huyện Con Cuông(Nghệ An) có của ăn của để, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Mô hình trồng cây đinh lăng trong nhà lưới của cựu binh Nguyễn Ngọc Trung ở Nghệ An đã thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Huyện miền núiCon Cuông được thiên nhiên ưu đãi khi nằm trong khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, không chỉ có cây đinh lăng mà còn có nhiều loại dược liệu quý như hà thủ ô, cà gai leo, cây thìa canh...Trước đây, cây đinh lăng mọc tự nhiên trong rừng, hoặc được người dân trồng làm cảnh, làm rau với số lượng ít. Nấu cao, chế biến thành trà thì cần số lượng lớn, bởi vậy, để chủ động nguồn nguyên liệu - ông Nguyễn Ngọc Trung ở thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông quyết định trồng đinh lăng.

Những năm trở lại đây, nhiều người dân ở Nghệ An ăn nên làm ra nhờ trồng cây cho củ và rễ (cây đinh lăng), nhưng cạnh đó cũng có không ít những hộ gia đình phải tự tay chặt bỏ cây đinh lăng bởi cách phát triển ồ ạt, thiếu đầu ra.

Nhưng vì sao nhiều hộ lao đao vì "nhân sâm người nghèo" mà ông Trung lại ăn nên làm ra? Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn đinh lăng của mình, ông Tung ồ hởi kể cho chúng tôi cơ duyên ông "gắn bó" với cây đinh lăng.

Ông Trung cho biết, những năm 1981 từ chiến trường Campuchia trở về, thương binh 4/4 Nguyễn Ngọc Trung tham gia hoạt động ở chính quyền địa phương. 10 năm sau, ông xin nghỉ, tìm hướng phát triển kinh tế. Ông cũng là người đầu tiên ở huyện miền núi này trồng thử nghiệm đinh lăng trong nhà lưới và thành công hơn mong đợi.

Tại khu vườn nhà ông Trung hiện có hàng nghìn gốc đinh lăng tươi tốt, lá sum suê, xanh mơn mởn. "Lứa này sắp hái được rồi đấy. Cứ 50.000 đồng/kg nhưng chỉ đủ để sản xuất cao thôi, không có để cung cấp cho thị trường bên ngoài", ông Trung nói.

Vốn có kinh nghiệm nấu cao hà thủ ô hồi trong quân ngũ, ông Trung thu mua nguyên liệu khô của bà con hái trong rừng để nấu cao, pha nước uống. Lúc đầu sản xuất để gia đình dùng là chủ yếu, sau dần anh em bạn bè, người thân bắt đầu tìm hiểu công dụng của cao hà thủ ô, đặt hàng ông Trung nấu.

Dám nghĩ, dám làm đã mang lại thành công ngoài mong đợi của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Trung

Từ cao hà thủ ô, ông mở rộng nấu cao hay sản xuất trà từ các loại thảo dược sẵn có khác, trong đó có cây đinh lăng. Theo đông y, đinh lăng là vị thuốc quý trong dân gian, từ củ, cành, lá đều có thể sử dụng. Đặc biệt, củ đinh lăng có công dụng bồi bổ khí huyết, đả thông kinh mạch, điều hòa nhịp tim, ổn định tim mạch... Cây đinh lăng mọc phổ biến ngoài tự nhiên, cộng với nhiều công dụng trong phòng, chữa bệnh, nâng cao thể trạng, bởi vậy nó còn được ví như "nhân sâm của người nghèo".

Ông Trung mày mò tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đinh lăng, đầu tư phân bón, làm đất... Cựu chiến binh này ươm 7.000 cây đinh lăng từ cành và trồng trên đất ruộng.

"Cây đinh lăng hợp đất, nhanh chóng bén rễ, ra lá xanh tốt nhưng gần Tết, sắp thu hoạch thì gặp sương muối dày đặc, lá đinh lăng "cháy" hết. Hết sương muối thì gặp nắng trái mùa, lá quăn queo. Vụ đầu tiên tôi mất trắng 120 triệu đồng", ông Trung nhớ lại.

Được biết, Hợp tác xã cây - con xã Chi Khê huyện Con Cuông đã được đầu tư xây dựng một nhà lưới để sản xuất rau sạch. Tuy nhiên, giá thành sản xuất rau sạch lớn, tìm đầu ra khó, các xã viên không mặn mà trồng rau. Trước tình hình này, ông Trung mạnh dạn đề xuất sử dụng một phần nhà lưới để thử nghiệm trồng cây đinh lăng.

Theo lời ông Trung, mãi đến năm 2018, có khoảng 2.000 gốc đinh lăng được đưa vào, phủ kín 500m2 nhà lưới. Mặc dù nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn bên ngoài, nhưng phương án này đã giải quyết triệt để nguy cơ do sương muối và nắng nóng. Bên cạnh đó, nhiệt độ được duy trì ổn định giúp đinh lăng xanh tốt. Sau 6 tháng trồng, ông Trung thu hoạch lứa lá đầu tiên và thành công với 8 tạ lá tươi.

Ngoài sản phẩm từ cây đinh lăng, ông Trung cũng đăng ký chứng nhận OCOP cho 4 sản phẩm khác cũng từ các loại thảo dược bản địa

"Củ đinh lăng thì phải từ 3 năm trở lên mới thu hoạch được. Đào lấy củ thì phải trồng lại lứa mới, mất nhiều thời gian và giá trị kinh tế không cao bằng thu hoạch lá. Nếu ở môi trường bên ngoài, mỗi năm chỉ có thể thu hoạch được 2-3 lứa lá thì ở trong nhà lưới, đinh lăng cho thu hoạch mỗi năm 6 lứa, thậm chí nếu chăm sóc tốt thì 1,5 tháng có thể thu hoạch một lứa, sản lượng 6-8 tạ/sào. Thu hoạch đúng kỹ thuật rồi bón phân NPK, tưới nước, ngoài ra không tốn công chăm sóc...", ông Trung cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Trung, giá lá đinh lăng giao động 50.000-60.000 đồng/kg, tính ra mỗi sào đinh lăng cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, số lá này chủ yếu ông Trung sử dụng chế biến cao đinh lăng và trà túi lọc đinh lăng để nâng cao giá trị của sản phẩm. Lá không sử dụng hết ông phơi khô sử dụng dần để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất.

Hiện sản phẩm trà, cao thảo dược đinh lăng, hà thủ ô của ông đã được đăng ký nhãn hiệu và bán rộng rãi ra thị trường. Ngoài sản phẩm từ cây đinh lăng, ông Trung cũng đăng ký chứng nhận OCOP cho 4 sản phẩm khác cũng từ các loại thảo dược bản địa. Không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế, quy trình trồng - thu hoạch - chế biến - bán sản phẩm của ông Trung tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Đến hết năm nay, ông Trung sẽ "phủ" cây đinh lăng kín 2.000m2 nhà lưới. Người cựu chiến binh này cũng đang liên hệ các công ty dược để liên kết trồng, cung ứng nguyên liệu lá, củ đinh lăng bào chế thuốc, đồng thời mở rộng các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để tăng doanh thu. Tiếp nữa, ông sẽ nâng cao chất lượng cây đinh lăng để tạo công ăn việc làm đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương… ông Trung khẳng định.

Với những thành quả trong lao động, sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Trung 2 lần được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen "Người có công tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất"; Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen "có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi"...
Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Miền núi Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Cách đăng nhập Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bằng tài khoản VneID

Hà Nội và Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP

Quảng Bình: Xe tải chở 30 con bò lao xuống vực, tài xế tử vong

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực

Từ 1/1/2025: Bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ ngày giường bệnh như thế nào?

Lừa đảo trực tuyến diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng chính thức khởi công

Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’

Hà Nội: Cháy quán bar Titan tại quận Hoàn Kiếm, nhiều người chạy lên sân thượng lánh nạn

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự

Dự báo thời tiết biển hôm nay 25/11/2024: Có mưa dông và gió mạnh trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 25/11/2024: Mưa lớn cục bộ, lốc, sét gió giật mạnh từ Quảng Trị đến Phú Yên

Tối 24/11, xuất hiện khách hàng trúng độc đắc Vietlott có giá trị 'khủng'

Bắc Giang: Triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025

Công đoàn tham gia giám sát trả lương, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động

Hà Nội: Phấn đấu 100% siêu thị không sử dụng túi nilon khó phân hủy vào năm 2025

Cận cảnh cây cầu trị giá hơn 1.800 tỷ đồng sau một năm thi công