Cuộc chiến năng lượng của Nga sau 3 năm chiến sự
Theo Areion24, 3 năm sau khi bắt đầu chiến sự ở Ukraine, phương Tây buộc phải thừa nhận các biện pháp trừng phạt không hiệu quả nhưng châu Âu vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực năng lượng của Nga.
Năm 2021, dầu khí chiếm tới 45% ngân sách và hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Nga. Là một trong ba nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cùng với Saudi Arabia và Mỹ, Nga sản xuất 10,5 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 14% nguồn cung toàn cầu.
Nga đã xuất khẩu 45% sản lượng này, tức 4,7 triệu thùng/ngày (mbpd), bao gồm 2,4 mbpd sang châu Âu (chủ yếu qua đường ống Drujba) và 1,6 mbpd sang Trung Quốc (chủ yếu qua đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO)). Ngoài ra, 10 triệu tấn dầu Nga mỗi năm đã được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường ống Atasu-Alashankou đi qua Kazakhstan.
Xuất khẩu dầu Nga lao đao vì lệnh trừng phạt
Một năm sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu Nga vận chuyển bằng đường biển có hiệu lực vào tháng 12/2022, 70% xuất khẩu dầu Nga nhắm tới Trung Quốc và Ấn Độ, và chỉ 20% đến thẳng châu Âu (thông qua đường ống Drujba). Mặc dù Hội đồng châu Âu khẳng định các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đã cấm một cách hiệu quả 90% xuất khẩu dầu Nga sang EU (bằng đường biển) - tuy nhiên cần lưu ý, do vị trí của Nga trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ chỉ thay đổi không đáng kể - nên có thể kết luận hầu hết lượng dầu xuất khẩu sang châu Á này trên thực tế lại chuyển hướng tới châu Âu.
Dầu khí là nguồn thu quan trọng của Nga, đóng góp khoảng 30-50% ngân sách nước này trong thập kỷ trước. Ảnh: RIA |
Việc chuyển hướng xuất khẩu dầu tới châu Âu thông qua châu Á là một cách để tránh lệnh cấm vận dầu mỏ mà các nước EU đã áp đặt và được thực hiện theo nhiều cách: dầu có thể được pha trộn với dầu địa phương và bán lại trên thị trường châu Âu, được bơm ngoài khơi vào tàu chở dầu không treo cờ Nga ở hoặc được bán lại thông qua trung gian. Sau khi các chủ tàu chở dầu và công ty bảo hiểm châu Âu phải chịu lệnh trừng phạt vì làm việc với khách hàng Nga, các nhà xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã mua đội tàu chở dầu của riêng họ từ các tàu đã bị loại biên, quá cũ mà các nước phương Tây không thể sử dụng và các công ty bảo hiểm châu Âu đã được thay thế bởi các công ty bảo hiểm Trung Quốc hoặc Nga.
Đối với khí tự nhiên, tình hình có sự khác biệt. Là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu trước chiến sự (chỉ tính xuất khẩu qua đường ống dẫn khí đốt vào năm 2021 đã là 210 tỷ m3/năm), Nga đã chịu thiệt hại do sự sụt giảm xuất khẩu qua đường ống khí đốt dẫn đến châu Âu từ 180 tỷ m3/năm vào năm 2019 xuống còn 28,3 tỷ m3/năm vào năm 2023, trong khi tỷ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên Nga vào EU giảm từ 45% xuống 15% trong khoảng thời gian từ năm 2021 - 2023.
Xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga chưa bao giờ bị trừng phạt và sự sụp đổ gần như ngay lập tức vào năm 2022 là do Nga đơn phương quyết định giảm xuất khẩu sang Đức vào mùa Xuân năm 2022. Quyết định này cũng giống như quyết định mà Nga đã đưa ra nhiều lần trước đây: Sử dụng năng lượng làm phương tiện gây áp lực chính trị đối với châu Âu.
Thị phần khí đốt của Nga trong nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu đã giảm từ 40% vào đầu năm 2022 xuống còn 10% vào cuối năm. Tuy nhiên, Nga đã kiếm được 93 tỷ Euro từ việc bán khí đốt cho EU, hay 1/4 tổng hóa đơn khí đốt của châu Âu, mặc dù Gazprom ghi nhận lợi nhuận của họ giảm 80%. Từ năm 2024, Nga sẽ xuất khẩu dưới 30 tỷ m3/năm qua đường ống dẫn sang châu Âu, chủ yếu tới các nước Trung Âu, hiện tiếp tục nhập khẩu phần lớn khí đốt tự nhiên từ Nga.
Những bên mua châu Âu, có khả năng thay thế khí đốt của Nga bằng khí đốt lỏng (LNG), đã đa dạng hóa nguồn cung của họ với các nguồn cung từ Mỹ, Qatar và Na Uy. Tuy nhiên, việc không có lệnh trừng phạt đã cho phép Nga tăng thêm một nửa khối lượng xuất khẩu LNG sang châu Âu vào năm 2023 và vượt Mỹ trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất sang châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tăng trưởng xuất khẩu LNG của Nga không phải là một hiện tượng nhất thời phản ứng lại việc mất thị trường châu Âu mà là kết quả của chiến lược dài hạn được Nga xác định trong học thuyết và chính sách năng lượng nhiều năm trước, nhằm trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu LNG.
Vai trò của xuất khẩu khí đốt tự nhiên trong ngân sách của Nga không quan trọng bằng vai trò của xuất khẩu dầu. Cụ thể, trong số 45% ngân sách Nga đến từ việc bán dầu và khí đốt tự nhiên, dầu và các sản phẩm hóa dầu chiếm 85% tổng ngân sách, trong khi xuất khẩu khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 15%.
Ngoài ra, tác động của lợi nhuận từ LNG đối với ngân sách Nga không tương xứng với lợi nhuận từ khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống dẫn khí, bởi vì 3 dự án LNG chính ở Nga (Yamal LNG, Arctic LNG và Arctic LNG 2) đều được kiểm soát bởi công ty tư nhân Novatek của Nga, 3 công ty Trung Quốc, liên doanh giữa các công ty Nhật Bản Mitsui và Jogme, cũng như công ty Total của Pháp.
Nga “gồng mình” chống trừng phạt
Tác động tức thời của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga vào năm 2023 được Bộ Tài chính nước này tổng hợp báo cáo vào tháng 5 năm đó cho thấy doanh thu từ dầu khí trong ngân sách quý đầu tiên đã giảm 52% so với giai đoạn 2022. Cũng trong thời gian này, chi tiêu ngân sách quân sự tăng gần 60% vào năm 2023 so với năm 2022, kéo theo một khoản thâm hụt công là 25 tỷ USD vào đầu tháng 2/2023.
Đồng Ruble đã phục hồi sau khi giảm giá vào tháng 8/2023. Do việc tái định hướng các hoạt động xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ nên thâm hụt thương mại với các nước này ngày càng gia tăng, trong khi việc chuyển đổi thanh toán từ đồng nội tệ sang USD vẫn là một thách thức do các lệnh trừng phạt tài chính áp đặt lên Nga.
3 năm sau khi bắt đầu chiến sự, Nga trưng bày một bức tranh kinh tế tương phản. Các chỉ số kinh tế vĩ mô chứng minh khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt dầu mỏ của EU khiến xuất khẩu dầu của Nga phải chuyển hướng sang châu Á, cho phép Nga tránh bị giảm sản lượng dầu khí, đảm bảo dòng doanh thu liên tục vào ngân sách để tiếp tục trang trải cho cuộc chiến. Ngân hàng Trung ương đã phá giá đồng Ruble để hỗ trợ các ngành công nghiệp hướng tới xuất khẩu và đã sử dụng biện pháp thay thế nhập khẩu, chuyển từ nhập khẩu từ phương Tây sang nhập khẩu từ Trung Quốc, để tập trung sản xuất của Nga vào lĩnh vực quân sự.
Nhờ chi tiêu quân sự của nhà nước, GDP của Nga đã tăng 2,6% vào năm 2023, trong khi dân chúng cảm thấy sức mua tăng lên nhờ mức lương cao kỷ lục trong ngành công nghiệp quốc phòng và đến lượt họ được bù đắp bởi mức lương cao hơn nữa trong khu vực dân sự nhằm giữ chân người lao động trong một thị trường đang thiếu nhân công.
Theo Bộ Tài chính Nga, tỷ trọng doanh thu từ dầu khí trong GDP của Nga đã giảm từ gần một nửa vào năm 2021 xuống còn 1/3 vào năm 2023. Điều này phần nào giải thích tại sao mức giảm 20% hàng năm doanh thu từ dầu khí trong ngân sách Nga năm 2023 đã được bù đắp bằng 19% từ các khoản thu ngoài dầu khí.