Cần hình thành chuỗi liên kết giữa DN và các vùng nguyên liệu |
80% doanh nghiệp ngưng hoạt động
Năm 2018, ngành điều phấn đấu đạt tổng kim ngạch 3,7 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới về chế biến, XK điều nhân. 5 tháng đầu năm 2018, XK hạt điều đã đạt 141.000 tấn, trị giá 1,396 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 25,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Tin vui là vậy, nhưng do DN tự phát nâng công suất khiến cung vượt quá cầu, giá giảm khiến nhiều DN đã phải đóng cửa.
Thông tin đưa ra tại cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh do Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu nhập khẩu điều nhân trên thế giới của các nhà rang chiên và thương mại trong năm 2018 chỉ tăng khoảng 5% so với năm 2017. Thế nhưng, chỉ 5 tháng đầu năm, công suất chế biến điều nhân của Việt Nam lại tăng tới 25% so với cùng kỳ, dẫn đến dư nguồn cung quá nhiều, các nhà máy phải đua nhau bán tháo với giá mỗi ngày một rẻ hơn nhằm thu hồi vốn, trả nợ vay. Trong khi đó, đa phần nguyên liệu điều đang phải nhập khẩu nên việc tăng công suất đã khiến nhiều DN thiếu nguyên liệu, bị ép mua với giá cao, hàng về "nhỏ giọt".
Khó chồng khó, nhiều DN đã phải đóng cửa. Tại Bình Phước, 70% - 80% số nhà máy chế biến hạt điều ngừng hoạt động. Ở tỉnh Long An, trong tổng số 33 cơ sở, thì hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động cầm chừng. Tính chung trên phạm vi cả nước, có khoảng 80% nhà máy, cơ sở chế biến điều đã tạm dừng hoạt động. Đa số các nhà máy chế biến hạt điều phải đóng cửa đều là các DN, cơ sở nhỏ lẻ, không có sự liên kết hay sáp nhập nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Định vị thương hiệu cho hạt điều Việt
Dù Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định, hầu hết các DN đóng cửa là DN nhỏ, sức cạnh tranh kém, hoạt động tự phát nên gặp rủi ro khi thị trường biến động, nhưng thực trạng này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về việc Việt Nam phải tìm cách chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Chưa kể, châu Phi là khu vực mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, cũng đang hướng đến việc tự sản xuất điều nhân chứ không xuất điều thô nữa, gây áp lực lên nguồn cung nguyên liệu cho các DN trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, để giải quyết thực trạng này, giải pháp quan trọng là phải hình thành được các chuỗi liên kết giữa DN và các vùng nguyên liệu. Hiện nay, chỉ tính riêng ở Bình Phước, nhiều DN thành lập các hợp tác xã trồng điều sạch, điều organic để phục vụ cho XK. Đây cũng là một hướng đi nhằm phát triển mạnh về chất cho ngành điều Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đang nỗ lực vận động DN thực hiện truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu hơn, phát triển mạnh hơn thị trường nội địa. Bên cạnh đó, xây dựng các nhà máy lớn, chú trọng đầu tư cho thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị hạt điều, định vị thương hiệu điều Việt Nam trên thế giới, đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỷ USD trong năm 2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch diện tích điều đến năm 2020-2025 là 300.000 ha (hiện nay là 290.000 ha); tăng tỷ trọng sản phẩm điều chế biến lên 30%. |