Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Tổ trưởng Tổ công tác về xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương |
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; bà Trịnh Thị Thu Hiền – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; cùng đại diện các đơn vị phòng, ban trực thuộc Bộ Công Thương gồm: Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Thanh tra Bộ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế.
Về phía Tổng Cục Hải quan có đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Sau thông quan.
Về phía địa phương, có ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; ông Nguyễn Đình Đại – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn và đại diện các đơn vị liên quan.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong xuất xứ hàng hoá đã được ban hành
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, trong công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa là một vấn đề quan trọng, đặc thù, không chỉ gắn với việc hưởng thuế ưu đãi từ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà các nước dành cho Việt Nam mà còn cả chiều ngược lại Việt Nam dành ưu đãi cho các nước.
Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024 tổ chức tại Lạng Sơn chiều 27/12. (Ảnh: N.H) |
Đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa hướng dẫn thủ tục cấp C/O và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết mà Việt Nam tham gia. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hoá và đẩy mạnh công tác phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hoá, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/6/2024 về việc tăng cường công tác nhà nước về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay và Thông báo số 394/TB-BCT ngày 22/11/2024 thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa.
Trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, xuất xứ hàng hóa luôn là một nội dung quan trọng mà các nước thành viên cần đàm phán thống nhất nhằm đảm bảo tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA. Mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi trong khuôn khổ các FTA có thể chênh lệch từ 10-40% so với thuế MFN (chế độ thuế tối huệ quốc) giữa các nước thành viên WTO.
Trong thời gian vừa qua, bối cảnh kinh tế - thương mại trên thế giới cũng như trong khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự đoán. Nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và phải cạnh tranh ở mức độ cao hơn. Để hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hoá, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho thương nhân vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá để góp phần thúc đẩy xuất khẩu, giúp hàng hoá Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Qua đó, mở rộng, thâm nhập vào các thị trường lớn mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia FTA hoặc các thị trường giành ưu đãi đơn phương, ưu đãi tối huệ quốc cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024 tổ chức tại Lạng Sơn chiều 27/12. (Ảnh: N.H) |
Cũng theo ông Nguyễn Anh Sơn, trong thời gian tới, việc triển khai các FTA sẽ bước vào giai đoạn thực thi những cam kết mạnh mẽ hơn cần kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước để tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại.
Đồng thời, việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan là hết sức quan trọng trong công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa nhằm phát hiện và xử lý các tình huống gian lận xuất xứ hàng hóa trong thực tế. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro về xuất xứ để ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ ngày một đa dạng, tinh vi trong tương lai.
‘Bộ Công Thương, với vai trò được Chính phủ giao là tổ chức việc thực hiện cấp C/O, rất mong nhận được những ý kiến trao đổi tích cực từ phía các bộ, ngành và cơ quan liên quan để có cái nhìn toàn diện về công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa trong thời gian qua. Từ đó, đưa ra những phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới’, ông Nguyễn Anh Sơn thông tin.
Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa
Về phía địa phương, ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – thông tin, tỉnh Lạng Sơn có lợi thế hết sức quan trọng để phát triển kinh tế cửa khẩu và các dịch vụ thương mại, logistics, đã và đang trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá lớn của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại.
Ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024 tổ chức tại Lạng Sơn chiều 27/12. (Ảnh: N.H) |
Tỉnh Lạng Sơn được Bộ Công Thương quan tâm, thành lập Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Khu vực Lạng Sơn từ năm 2004 và bổ nhiệm cán bộ và chuyên viên tại Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ.
Qua 20 năm thực hiện nhiệm vụ, cùng với 22 tổ chức được ủy quyền cấp C/O ưu đãi của cả nước, với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công Thương và của tỉnh, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Khu vực Lạng Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phòng đã nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, những khó khăn, vướng mắc để báo cáo về Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan có biện pháp kịp thời tháo gỡ. Mặc dù cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Khu vực Lạng Sơn so với cả nước khá khiêm tốn, tuy nhiên đã góp phần không nhỏ giúp cho hàng hóa nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh được thuận lợi.
Hội nghị hôm nay sẽ góp phần giúp các bộ, ngành Trung ương, các địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hoá; giúp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy hiệu quả những lợi thế, tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
“Với các FTA đã được ký kết và đang được thực thi, hệ thống cửa khẩu, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cùng với công tác đối ngoại hợp tác thuận lợi giữa Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc, sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương sẽ sớm đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, là một trong những cửa ngõ giao thương lớn nhất trên đường bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước Việt – Trung”, ông Đoàn Thanh Sơn thông tin.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024 tổ chức tại Lạng Sơn chiều 27/12. (Ảnh: N.H) |
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những nội dung chính như: Đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP sau 6 năm triển khai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đánh giá tình hình xuất nhập khẩu và thực hiện cấp C/O tại địa phương thời gian qua; thảo luận một số nội dung: đánh giá cam kết về xuất xứ hàng hoá trong các FTA đã ký kết, cơ chế chính sách liên quan đến hệ thống cấp C/O, công tác thực thi cấp C/O tại các tổ chức cấp và thực thi thủ tục hải quan về C/O và đề xuất chính sách quản lý trong thời gian tới.
Với quan điểm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa nhằm thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước thông qua việc tận dụng ưu đãi FTA và chống gian lận xuất xứ hàng hóa, tại hội nghị các ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo môi trường cơ chế chính sách minh bạch để doanh nghiệp tận dụng các cam kết thuế quan ưu đãi.
Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch lại hệ thống tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần chống gian lận xuất xứ hàng hóa, tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu. Chú trọng công tác truyền thông và hợp tác quốc tế nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập sâu trên thế giới với các cam kết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA và CPTPP. Đây được xem là một trong các yếu tố giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua tăng ở mức trung bình 22-23% mỗi năm, từ 114,5 tỷ USD năm 2012 lên 354,7 tỷ USD năm 2023 (11 tháng năm 2024 đã đạt 369,9 tỷ USD). |