Ngày 16/9, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tổ chức "Tọa đàm cấp cao Kinh tế số – Chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới". Thông qua diễn đàn, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo cấp cao các tập đoàn trong lĩnh vực TMĐT, thanh toán điện tử, công nghệ thông tin... cùng chia sẻ những khó khăn thách thức trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số.
Ông Nguyễn Đức Hiển- Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm |
Tốc độ phát triển TMĐT đẩy nhanh 1-2 năm
Theo ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, TMĐT đang có những bước tiến mạnh mẽ không chỉ trong kinh doanh phát triển nên nền tảng số mà tất cả các lĩnh vực dịch vụ khác như giáo dục, y tế, văn hóa xã hội.
Dẫn số liệu của eMarketer, ông Nguyễn Thế Quang thông tin, doanh thu TMĐT B2C toàn cầu năm 2020 đạt 4.280 tỷ USD, năm 2021 là 4.891 tỷ USD, tăng 14,3% và dự báo đến năm 2024 có thể đạt 6.388 tỷ USD. “Ở thị trường Việt Nam, theo Sách trắng TMĐT 2021 của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT B2C năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2019. Dự kiến đến năm 2025 đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Qua số liệu trên, cho thấy cơ hội phát triển TMĐT tử còn rất lớn, đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì 2025 là 600 USD/năm”- lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nêu cụ thể.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT - bày tỏ, chưa bao giờ TMĐT bận rộn như lúc này, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025.
Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT khẳng định, TMĐT trong các năm gần đây tăng trưởng 30-35%/năm và thời gian tới sau đại dịch là một bức tranh hoàn toàn thay đổi. "Chúng ta ngồi họp hoàn toàn trực tuyến cũng như phụ huynh cùng con cái học trực tuyến, các bà nội trợ đã biết cách dùng app để đặt hàng, đi chợ hộ, biết thế nào là combo, mua hàng và thanh toán trực tuyến... Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình educate (giáo dục) tất cả mọi người tham gia vào lĩnh vực TMĐT", ông Nguyễn Ngọc Dũng nêu vấn đề.
Theo ông Dũng, thời gian tới sau khi kiểm soát được dịch, Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng mới TMĐT. Điều này phụ thuộc vào các hỗ trợ về mặt chính sách cũng như thúc đẩy thị trường TMĐT của Trung ương và địa phương, làm sao hỗ trợ kinh tế số phát triển trong thời gian tới.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Tổng giám đốc Grab Việt Nam - cho biết, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trong giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh đã gặp nhiều thử thách để duy trì chuỗi cung ứng. Grab đã đề xuất đưa nền tảng công nghệ của Grab cho thành phố sử dụng trong công tác đi chợ hộ - chương trình đã đạt được kết quả rất tốt khi vận hành thử tại TP. Thủ Đức. “Nếu sự hợp tác này diễn ra sớm hơn và trên diện rộng hơn thì sẽ hỗ trợ nhiều trong công tác chống dịch và duy trì kinh tế”- Tổng giám đốc Grab Việt Nam nhấn mạnh.
Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Nêu cụ thể về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam, tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương - cho hay, mặc dù hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng vẫn còn đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như: Môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số... Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và phục vụ xây dựng Báo cáo đánh giá 2 năm tình hình triển khai Nghị quyết này, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia chia sẻ các kinh nghiệm giúp phát triển kinh tế số, nhất là hoạt động TMĐT, cũng như chia sẻ những vướng mắc, kiến nghị để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia và đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực TMĐT, giao hàng công nghệ, dịch vụ điện tử và tài chính, truyền thông đa phương tiện... đã trao đổi các xu hướng phát triển mới của kinh tế số Việt Nam; làm rõ những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh.
Qua trao đổi, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng đề xuất, khuyến nghị những chính sách cụ thể như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số; cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước, các DN; khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; tạo cơ hội thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Hiển thông tin thêm, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu trong buổi Tọa đàm này, theo dõi sát quá trình thực hiện Nghị quyết 52. Đó sẽ là những luận cứ quan trọng giúp Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10/2022.