Thứ bảy 09/11/2024 02:28

Công nghiệp hóa chất làm gì để hướng tới mục tiêu ngành công nghiệp nền tảng hiện đại?

Đến năm 2030, tăng trưởng công nghiệp hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt 4-5%.

Đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng vẫn còn điểm “nghẽn”

Báo cáo về tình hình phát triển ngành công nghiệp hóa chất thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp.

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất tập trung hình thành các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn

Trong số 10 ngành công nghiệp lớn nhất cả nước theo phân ngành cấp 2, công nghiệp hóa chất được xếp vào nhóm ngành thứ ba, chiếm tỷ trọng 2-5% GDP toàn ngành công nghiệp.

Cụ thể, bước đầu hình thành ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các lĩnh vực sản xuất chủ yếu như phân bón, hóa chất cơ bản, sản phẩm hóa dầu, sản phẩm cao su, hóa chất tiêu dùng…

Báo cáo của Cục Hóa chất cho thấy, các dự án mới, đặc biệt là các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản góp phần khiến cho chủng loại sản phẩm hóa chất trong nước sản xuất đa dạng hơn, tuy nhiên những sản phẩm công nghệ cao trong nước vẫn chưa sản xuất được, nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Như với ngành phân bón, trừ phân bón Kali và SA phải nhập khẩu do trong nước không có lợi thế về nguyên liệu, ngành phân bón Việt Nam đã cung cấp đủ cho các nhu cầu nội địa hầu hết các loại phân bón.

Về hoá chất cơ bản, Việt Nam chủ yếu mới sản xuất được một số sản phẩm hóa chất cơ bản vô cơ thông dụng như H2SO4, HCl, H3PO4, xút…. Đối với hóa chất cơ bản hữu cơ trong nước hầu như chưa sản xuất được.

Đối với hoá dầu, hiện nay Việt Nam mới chỉ sản xuất được nhựa PVC, PP, phụ gia hoá dẻo DOP, xơ sợi tổng hợp từ các nguyên liệu trung gian nhập khẩu. Trong những năm gần đây, ngành hóa dầu được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án lớn như Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung và một số dự án dưới dạng tổ hợp công nghiệp (Tổ hợp công nghiệp hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung); một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất như: Đình Vũ, Phú Mỹ - Cái Mép, khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai...

Tuy nhiên cơ cấu sản phẩm của ngành hóa chất còn thiếu hụt, chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu quốc tế, sản phẩm có chất lượng kỹ thuật cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. “Động lực tăng trưởng của ngành thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào các dự án FDI, khó tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng mong muốn”- báo cáo nêu cụ thể.

Ngoài ra, thiếu quỹ đất để dành cho các khu công nghiệp chuyên biệt trong đó có công nghiệp hóa chất. Các dự án, nhà máy công trình đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, nhiều nhà máy nằm lẫn trong khu dân cư, ít các dự án hình thành dạng tổ hợp, theo mô hình kinh tế tuần hoàn. “Nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về sự cố, môi trường, hậu quả từ một số dự án đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư cũng như quan điểm của một số địa phương về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hóa chất”- lãnh đạo Cục Hóa chất cho hay.

Hình thành các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (Chiến lược).

Chiến lược nêu rõ, phát triển công nghiệp hóa chất Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành, tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.

Đồng thời, duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến. Hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường,..

Khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hóa chất, tận dụng tối đa nội lực của đầu tư xã hội. Khuyến khích các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao”- Chiến lược gợi mở.

Quan trọng là hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông, khuyến khích các công nghệ tuần hoàn, sản phẩm, chất thải không sử dụng của nhà máy này làm nguyên liệu cho các nhà máy khác. Từng bước di dời, tập trung các nhà máy sản xuất hóa chất vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, không để các cơ sở hóa chất nguy hiểm không bảo đảm khoảng cách an toàn, không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, nơi tập trung đông người.

Liên quan đến việc hình thành các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn lãnh đạo Cục Hóa chất cho biết, bước đầu đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận rất ủng hộ, đưa vào quy hoạch sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.
Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: công nghiệp hóa chất

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Kết nối giao thương giữa Hiệp hội ô tô Berlin - Brandenburg và doanh nghiệp

Cà Mau: Hoạt động kinh tế 10 tháng đầu năm ghi nhận nhiều điểm sáng

Tháng 10, sản xuất công nghiệp tăng ở 59 địa phương trên cả nước

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp

Bộ Công Thương: Phổ biến quy chuẩn sản xuất, kinh doanh hóa chất với cơ quan quản lý, doanh nghiệp

Bình Thuận: Sở Công Thương hỗ trợ gỡ khó cho cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu

Cải tiến mẫu mã để tăng cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Ngành chế biến, chế tạo đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp 10 tháng của Nam Định

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Tích cực tham gia chuyển đổi năng lượng xanh, giao thông xanh

PMI Việt Nam tăng trưởng trở lại, tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp tăng tốc cuối năm

TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp thiết lập hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thay vì ‘than vãn’ hãy tìm phương pháp

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội

Việt Nam khẳng định vị thế trong ngành nam châm vĩnh cửu, đất hiếm

Cần cơ chế đột phá phát triển ngành công nghiệp hoá dược

igus® mang đến giải pháp bền vững cho phòng sạch và tự động hóa tại triển lãm VIMF Bắc Ninh 2024

Đoàn doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại HANSSIP

Để lĩnh vực hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng

Doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển đổi xanh

Đà Nẵng: Doanh nghiệp sản xuất lạc quan về đích năm 2024 vượt 40% kế hoạch