Thứ hai 25/11/2024 04:57

Có một cô giáo người Dao như thế!

Yêu trường, mến trẻ… 20 năm theo nghề sư phạm là 20 năm cô giáo Lý Thị Thu (người dân tộc Dao) dành hết tâm huyết cho những học trò vùng cao. Với cô, việc truyền dạy kiến thức cho học sinh giúp cô vui hơn mỗi ngày và thấy cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc, cô giáo Lý Thị Thu được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở xã Long Đống (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đây là ngôi trường thuộc vùng khó, địa bàn rộng, có một điểm chính và 7 điểm trường lẻ. Các điểm cách xa nhau nên việc đi lại rất vất vả cho cả thầy cô và học trò.

Lần đầu tiên đi giảng dạy ở điểm trường lẻ tại thôn Bản Liếng (cách trường chính khoảng 10 km), dù đã được đồng nghiệp cảnh báo trước nhưng cô Thu vẫn ngỡ ngàng trước những con đường đèo quanh co uốn lượn trên những triền đồi, xuyên qua rừng, vừa dốc, vừa trơn, lại vắng vẻ.

Buổi đầu đến điểm trường bản Liếng rơi đúng vào ngày trời mưa to, do chưa quen đường nên cô Thu bị ngã xe, quần áo, cặp sách lấm đầy bùn đất. Đang ê ẩm vì đầu gối trầy xước bầm tím thì một phụ huynh lại gần cô Thu nói: “Hôm qua con tôi đi học về kể, ngày mai có cô giáo mới. Cô rất trẻ và cũng là người Dao. Biết vậy, tôi vui lắm, nên hôm nay chúng tôi cùng các cháu học sinh đến chờ đón cô giáo”. “Lúc đó, cảm giác mệt mỏi, ê ẩm dường như tan biến. Tôi thực sự xúc động vì sự quan tâm của phụ huynh, vì ánh mắt trong trẻo, háo hức của những em học sinh DTTS chân còn vương bùn đất” – cô giáo Lý Thị Thu nhớ lại.

Từ những cảm xúc khó quên ban đầu, trong suốt những năm tháng dạy học ở xã Long Đống, cô Thu luôn làm việc với rất nhiều hứng thú. Từ việc sử dụng tiếng phổ thông và tiếng Dao, kết hợp với hành động, biểu cảm để giảng bài; đến việc lựa chọn phương pháp giáo dục thích hợp cho những học sinh cá biệt, thích chơi hơn thích học.

Những giờ phút học và chơi vui vẻ của cô giáo Lý Thị Thu và học trò

Đến nay, bàn chân cô Lý Thị Thu đã đi đến tất cả các điểm trường lẻ gập ghềnh, gian nan của Trường PTCS Long Đống. “Giáo viên ở đây đều phải dạy ghép từ hai, ba trình độ trong một lớp học. Tuy vất vả, khó khăn nhưng tôi cảm thấy rất vui vì biết rằng các em đang mong chờ từng ngày cô vào trường để được học hát, học múa” – cô Thu chia sẻ. Vừa giảng dạy vừa kiêm Tổng phụ trách Đội của trường; cô Thu đã tham mưu và tổ chức nhiều hoạt động phong trào sôi nổi, như: Giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xuống bản tuyên truyền, vận động học sinh đến trường… Ở đâu có cô giáo Lý Thị Thu, ở đó có tiếng hát, tiếng cười. Mỗi giờ học của Thu luôn là niềm vui, sự mong chờ của các học trò.

Hiện cô giáo Lý Thị Thu đã chuyển về công tác tại Trường Tiểu học xã Long Đống. “Dạy học ở vùng cao vẫn còn nhiều gian nan lắm nhưng nhìn các em tiến bộ và trưởng thành tôi lại có thêm động lực để gắn bó và trân trọng nghề dạy học của mình” – cô Thu bộc bạch. Nhân ngày 20/11 – ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam, xin chúc cho cô giáo người Dao Lý Thị Thu sức khỏe, hạnh phúc để cô tiếp tục chắp cánh cho những ước mơ của học sinh bay cao, bay xa hơn nữa.

Trong quá trình công tác, cô Lý Thị Thu đã được nhận nhiều giải thưởng trong các hội thi, sáng kiến kinh nghiệm và danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Giỏi việc nước - đảm việc nhà, Giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi. Năm 2020, cô Lý Thị Thu là một trong những giáo viên được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long thực hiện.
P.V

Tin cùng chuyên mục

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'