Cơ hội cho du lịch địa phương bứt phá
Du lịch địa phương hút khách
Là nhân viên của một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, dịp hè năm 2024, chị Giang Thị Trang không chọn cách đi du lịch biển như mọi năm mà quyết định đưa cả gia đình về quê nội (Mộc Châu) để du lịch. Chị Trang chia sẻ, năm nay, giá vé máy bay quá đắt, nếu chọn du lịch ở một vùng biển như Nha Trang, Phú Yên… gia đình chị dự kiến sẽ tiêu hết khoảng gần 100 triệu đồng cho 4 người. Tuy nhiên, nếu về quê, số chi phí này sẽ giảm bớt rất nhiều.
Lợi thế gần Hà Nội là cơ hội cho du lịch Mộc Châu thu hút du khách. (Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La) |
“Thời điểm này, Mộc Châu đang bắt đầu vào mùa mận chín, cho các con hái mận Mộc Châu cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Hiện nay, du lịch Mộc Châu cũng rất phát triển với nhiều khu vui chơi, nhiều dịch vụ giúp trẻ con có thể vừa chơi, vừa học. Chưa kể, nếu về quê, gia đình tôi có thể bớt chi phí vì không mất tiền thuê khách sạn” - chị Trang chia sẻ.
Cùng chung suy nghĩ với chị Giang Thị Trang, chị Lam Anh – một viên chức sống tại Hà Nội chia sẻ: Trước đây, mỗi dịp nghỉ hè, gia đình chị thường cho các con đi chơi xa. Thời gian gần đây, các điểm du lịch gần Hà Nội nhiều, dịch vụ và chất lượng tốt, giao thông thuận tiện, giá cả hợp lý nên gia đình chị hạn chế đi đến các điểm xa mà đi chơi nhiều hơn vào những dịp cuối tuần. Chị Lam Anh nói: "Các bé nhà chị rất thích vì trước đây nghỉ hè mới được bố mẹ cho đi chơi nhưng giờ đây thi thoảng cuối tuần lại được đi du lịch, khi thì đi Mai Châu (Hòa Bình), khi thì đi Bãi Cháy (Quảng Ninh)… Các chuyến đi chỉ mất 1 – 2 ngày, chi phí thấp hơn vì hoàn toàn có thể chủ động được phương tiện”.
Từ đầu năm 2024 trở lại đây, ngành du lịch chịu nhiều tác động khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, giá vé máy bay nội địa của các hãng hàng không liên tục tăng khiến cho những điểm du lịch xa gặp khó trong việc thu hút khách. Tuy nhiên, xu hướng này cũng giúp mở ra cánh cửa mới cho du lịch tại địa phương bứt phá. Nắm bắt xu thế này, nhiều địa phương đã đẩy mạnh đầu tư cho du lịch nhằm thu hút du khách.
Đơn cử, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, năm 2024 là năm Điện Biên kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024); đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên gắn với Lễ hội Hoa Ban 2024. Xác định du lịch, dịch vụ là thế mạnh của tỉnh, do vậy, Điện Biên đã chú trọng đầu tư, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cải tạo cảnh quan môi trường, giao thông quanh các khu, điểm di tích; quy hoạch, mở thêm nhiều tua, tuyến kết nối các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch; hỗ trợ kinh phí phát triển các bản văn hóa du lịch. Huy động, kêu gọi nhiều thành phần, nguồn lực tham gia phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải…
Nhờ đó, thời gian qua, du lịch Điện Biên có nhiều khởi sắc. Chỉ tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Điện Biên đón 180.000 lượt khách du lịch, trong đó có 35.000 lượt khách du lịch có lưu trú (tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023). Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 330 tỷ đồng.
Hoặc Sơn La – một điểm đến du lịch trải nghiệm được nhiều người dân lựa chọn gần đây cũng có nhiều hoạt động đẩy mạnh quảng bá du lịch địa phương. Đơn cử, từ ngày 17-19/5, UBND tỉnh Sơn La tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc, con người thân thiện mến khách của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, hướng tới phát triển xanh và bền vững… Sau chương trình nghệ thuật, người dân và du khách được tham gia trải nghiệm văn hóa cộng đồng: Vũ điệu Kết đoàn, nghệ thuật Xòe Thái, nhảy Tha khềnh dân tộc Mông, múa chuông dân tộc Dao…
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Đầu tư cho du lịch là giải pháp quan trọng giúp các địa phương thu hút du khách. Theo ông Phạm Anh Vũ – Giám đốc Vuvivu Travel, một công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, về cơ bản, các dịch vụ du lịch ở địa phương khá tốt, song vẫn còn một số điểm nổi cộm như tình trạng “chặt chém” còn diễn ra khá nhiều, đặc biệt ở các địa phương mới phát triển về du lịch. Do đó, mong chính quyền địa phương nơi có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch có những giải pháp triệt để xử lý những hành vi không đúng trong kinh doanh, cũng như đưa ra kế hoạch, giải pháp phát triển những điểm mạnh của du lịch địa phương.
Các địa phương cũng cần tạo ra những điểm đến, dịch vụ mới, quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, gia tăng trải nghiệm cho khách và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ như cơ sở lưu trú, địa điểm ăn uống, vui chơi giải trí… cần có sự hợp tác chặt chẽ để hướng đến lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, các địa phương cần liên kết nhau để tạo ra nhiều tour tuyến mới lạ, độc đáo. Khuyến khích địa phương, doanh nghiệp phát triển thêm các sản phẩm du lịch, giải trí về đêm và du lịch sinh thái… để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Vài năm trở lại đây, lượng phương tiện cá nhân tăng cao, nhiều gia đình có xe ô tô riêng nên việc di chuyển đến các địa điểm du lịch trong ngày khá thuận tiện. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông ngày càng được đầu tư, nâng cấp nên du lịch địa phương có nhiều cơ hội bứt phá. Nắm bắt tốt cơ hội này sẽ giúp các địa phương khai thác triệt để lượng khách hàng tại chỗ và giữ chân du khách, đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn thúc đẩy kinh tế địa phương.