Thứ tư 20/11/2024 14:22

Chuyện giữ rừng ở Chế Tạo

Giống như những năm trước, mùa đốt nương năm nay, xã Chế Tạo tiếp tục không để ra vụ cháy rừng nào mặc dù người dân vẫn canh tác ngay bìa rừng thậm chí ngay trong những cánh rừng. Giữ rừng giờ không còn là chuyện phải hô hào mà đã trở thành ý thức của đồng bào Mông nơi đây.

Theo số liệu thống kê năm 2020, xã Chế Tạo có hơn 19.000 héc-ta rừng, trong đó có hơn 14.000 héc-ta rừng đặc dụng, hơn 3.000 héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn và gần 2.000 héc-ta rừng sản xuất. Đây cũng chính là Khu bảo tồn loài và sinh cảnh của huyện Mù Cang Chải. Tại đây, vẫn còn rất nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ. Trong đó, có nhiều cánh rừng còn nguyên những tán pơ mu hàng trăm năm tuổi cùng các loại dược liệu quý như: Đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân…

Phút dừng chân sau buổi đi tuần rừng của Đội tự quản phòng cháy, chữa cháy rừng bản Chế Tạo

Giữa những cánh rừng bạt ngàn này, đồng bào Mông ở xã Chế Tạo đã và đang canh tác thảo quả, lúa, ngô tại những mảnh nương ngay bìa rừng hoặc lẩn trong những cánh rừng.

Thông thường, từ sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng 4 là mùa đốt nương của bà con. Đây cũng là lúc thời tiết khô hanh, các cánh rừng có thảm thực bì khô và dày sau một mùa đông cây rụng lá… Khi đốt nương, người dân chỉ cần vô ý một chút là có thể dẫn đến cháy rừng. Ý thức được điều này, nên trước mỗi mùa đốt nương, công tác tuyên truyền được xã Chế Tạo và Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải thực hiện thường xuyên, liên tục.

“Mùa đốt nương luôn là khoảng thời gian bận rộn, căng thẳng với chúng tôi. Hàng năm, Hạt kiểm lâm đều tham mưu với xã cho rà soát tất cả các mảnh nương gần rừng để thống kê, sau đó đến làm việc với từng hộ dân, nhắc nhở bà con đốt nương có kiểm soát, trước khi đốt phải báo với trưởng bản hoặc bí thư chi bộ. Khi đốt thì đốt sáng sớm và phải có người trực để kiểm soát cháy. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động hướng dẫn bà con cách tạo vành đai ngăn lửa, hoặc chuẩn bị công cụ để xử lý tình huống khi không may ngọn lửa lan rộng” - anh Hà Thủy Điện - nhân viên Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải, người được cắt cử chuyên trách khu vực rừng Chế Tạo, cho hay.

Song song với việc tích cực tuyên truyền, chủ động nhắc nhở bà con có ý thức trong việc đốt nương, làm rẫy; mấy năm trở lại đây, từ nguồn Quỹ Chi trả dịch vụ môi trường rừng, xã Chế Tạo còn chủ động dựng 6 chòi canh lửa ở trên các mỏm đồi cao; vận động người dân tham gia đội xung kích phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, mỗi bản lập ra những đội tự quản, tự phân công nhau đi tuần rừng, thay nhau trực ở các chòi canh. Từ trên các chòi canh này, người dân có thể quan sát xung quanh, phát hiện những đám cháy rừng, đồng thời, thông báo khi có các đối tượng lạ mặt xuất hiện ở địa phận rừng.

Ông Giàng Mào Sình - người uy tín của bản Chế Tạo (xã Chế Tạo) cho biết, bản có gần 130 hộ, trên 700 nhân khẩu, đều là đồng bào Mông. Cùng với việc canh tác ruộng bậc thang mỗi năm một vụ, bà con vẫn phải trồng ngô và thảo quả dưới những tán rừng già. Những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền thường xuyên, lại có thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Sình cũng như những người dân ở bản Chế Tạo đã ý thức hơn về việc giữ rừng và sử dụng lửa khi gần rừng. “Nhà nào cũng có người tham gia vào đội tự quản phòng cháy chữa cháy rừng. Bà con bảo nhau mỗi khi đi rừng, nếu nấu cơm thì phải dập lửa rất cẩn thận. Giờ cao điểm nắng nóng không được đốt lung tung. Sau khi dùng xong phải lấy nước để dập hết, không để lửa cháy lan vào rừng” – ông Sình cho hay.

Cũng theo ông Sình, nhiều năm trước, bản Chế Tạo đã từng có người dân đốt nương gây cháy rừng. Sau khi dập xong đám cháy, bản buộc hộ gia đình gây cháy rừng phải “chịu trách nhiệm” bằng cách trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị cháy. Cây giống sẽ được công ty trồng rừng cung cấp nhưng hộ dân đó phải đi huy động anh em, dòng họ và hàng xóm trồng giúp. Trồng rừng xong thì phải mổ heo, giết gà để cảm ơn dân bản đã giúp đỡ trồng rừng, cũng là tạ lỗi vì đã vô ý làm cháy rừng. Câu chuyện này giờ đây vẫn được dân bản nhắc đến mỗi mùa đốt nương để nhắc nhở lẫn nhau.

“Mất rừng là chính mình mất, con cái mình sẽ không có gì mà làm nhà, làm củi nữa” với suy nghĩ giản dị nhưng rất thực tế như vậy, đồng bào Mông ở Chế Tạo đã toàn tâm giữ rừng, thay vì chặt phá bừa bãi như trước kia. Và cái mà đồng bào Mông nơi đây đang nhận được, đó chính là những cánh rừng đang ngày càng rộng ra, xanh hơn, mang lại môi trường sinh thái lý tưởng ít nơi nào có được.

Mai Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững