Thứ bảy 23/11/2024 20:22

Chuyện gieo chữ ở Sa Lai

Lên đến xã biên giới Tân Xuân (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), nhắc tới điểm trường Sa Lai, nhiều người không khỏi ái ngại. Với các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Tân Xuân, dạy học ở Sa Lai luôn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng hơn nhiều so với dạy học ở các điểm trường khác.

Gập ghềnh đường lên lớp

Cách trung tâm xã Tân Xuân 16 km, điểm trường Sa Lai nằm lọt thỏm giữa bản Sa Lai - nơi sinh sống của 100 hộ đồng bào dân tộc Mông. Dạy học ở điểm trường là 5 thầy cô giáo đến từ nhiều huyện khác nhau như: Mộc Châu, Phù Yên, Vân Hồ (Sơn La); Yên Thủy (Hòa Bình); Phúc Thọ (Hà Nội). Người trẻ nhất mới 22 tuổi, người lớn nhất chưa đầy 30 tuổi.

Hôm tôi đến, cơn lũ đầu tháng 9 kết thúc đã cả tháng trời nhưng 16 km từ trung tâm xã Tân Xuân vào đến Sa Lai còn rất nhiều đoạn lầy lội, có nơi còn nguyên dấu tích cả mảng đồi sạt xuống. Nhắc chuyện mưa lũ, cô giáo Hà Thị Thảo chia sẻ: “Hôm khai giảng, chúng em phải lội bộ cả nửa ngày đường mới lên được đến bản. Xung quanh lớp học, nước lũ dâng cao, cuốn trôi cả cây cầu sau lớp. Bùn đất ngập cả lối đi quanh lớp”.

Là bản xa xôi, khó khăn nhất của Tân Xuân, đến nay, để lên được đến Sa Lai vẫn chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy. “Đa số là đường đất đồi dốc nên trời khô ráo thì đi mất khoảng 1 tiếng, trời mưa thì 4 - 5 tiếng là chuyện thường” - cô giáo Phan Thị Nga cho hay.

Chính vì đường sá khó khăn như vậy nên vào mùa mưa lũ, xe thầy cô nào cũng trang bị thêm 1 chiếc xích cũ để quấn quanh bánh xe tránh trơn trượt. Mỗi lần ra vào bản, các thầy cô đều đi vài ba người để đề phòng những chuyện không hay xảy ra. Chỉ cho tôi mấy chiếc xe máy phủ kín bùn đất, cô Nga cho biết thêm: “Ngã nhiều rồi chứ chị, rách quần, xước gối là chuyện bình thường. Nhiều khi hỏng xe dọc đường, đứng đợi cả buổi không có ai đi qua để đi nhờ. Cuối cùng đành bỏ xe lại, đi bộ lên bản…”.

Vui, buồn thầy cô cắm bản

Đang dạy ở điểm trường gần trung tâm xã Tân Xuân, nay chuyển vào dạy học ở Sa Lai, cô giáo người Thái - Vì Thị Thu Trang không khỏi bàng hoàng vì đường vào Sa Lai quá xấu, vì cảnh không điện, không sóng điện thoại, không nhà vệ sinh… Vậy nhưng, với cô giáo Phan Thị Nga, vào Sa Lai cắm bản lần thứ 2, mọi thứ đã tốt hơn nhiều: “Năm học 2013 - 2014, em vào Sa Lai dạy học lần đầu, khi ấy vẫn phải ở nhà quây bằng tre, nền đất ẩm thấp. Bây giờ có nhà gỗ chắc chắn, có nền xi măng, có điện suối để dùng. Điện thoại thì chịu khó ra đầu bản “vợt” sóng. Dẫu là câu được câu mất nhưng khi cần vẫn có thể gọi cho người thân. Như vậy cũng đỡ lo lắng hơn…”.

H ình ảnh các thầy cô bản Sa Lai sau những ngày mưa gió

Khoe với tôi chút đồ khô, vài nải chuối vừa chở từ nhà lên, cô giáo Thảo cười bảo: “Trên này không có chợ nên tuần nào vào chúng em cũng phải chở theo thực phẩm. Điện không có, không có tủ lạnh, nên đa số là ăn đồ khô. Tuần nào mưa lũ không về nhà được có khi cả tuần ăn cơm với canh mì tôm…”.

Khó là vậy, nhưng trò chuyện với các thầy cô ở đây mới thấy, dường như mọi khó khăn đã trở thành chuyện thường ngày. “Chúng em ai cũng mới lập gia đình và đều có con nhỏ nên buồn nhất vẫn là nhớ nhà, nhớ con. Những ngày đầu chưa quen, tối đến lại ứa nước mắt vì nhớ nhà. Mấy chị em vẫn tự động viên nhau để vượt qua những phút yếu lòng trong những ngày mưa gió giữa bản vùng cao, cách xa nhà cả vài chục đến vài trăm km… May là học sinh trên này rất ngoan, hiếu học, phụ huynh cũng tích cực cho con đến trường. Chuyện học sinh bỏ học giữa chừng, nghỉ tết xong là nghỉ học luôn cũng có nhưng không nhiều” – cô giáo Bùi Thu Phương tâm sự.

Năm 2007, khi con chữ lần đầu tiên được các thầy cô giáo đưa lên Sa Lai, thế hệ những người thầy đầu tiên như thầy Phui, thầy Quân đã phải đi bộ xuyên rừng, qua 11 khúc quanh của suối Con mới lên đến bản, đến lớp. Cả bản mù chữ, đói ăn; các thầy vừa phải cùng dân bản cày cấy, tối đến cầm tay học trò để dạy viết những chữ cái đầu tiên.

So với những ngày ấy, công việc dạy và học ở Sa Lai giờ đây dẫu còn gian khó nhưng đã tiến bộ hơn rất nhiều. Đây cũng là niềm động viên, an ủi để các thầy cô cắm bản kiên trì khắc phục khó khăn, toàn tâm toàn ý gieo chữ nơi vùng đất khó! Tất cả vì một Sa Lai không ngừng đổi mới, vươn lên…

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao