Lào Cai: Quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 Lào Cai: Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái |
Qua triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Bát Xát (Lào Cai), chương trình đã giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo mỗi năm, quan trọng hơn, việc triển khai chương trình hiệu quả đã giúp họ tự tin, hăng hái sản xuất, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no…
Hạ tấng giao thông được cải thiện từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (Ảnh: CTTĐTLC) |
Bát Xát là huyện nghèo vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, toàn huyện có 17.696 hộ với 81.440 khẩu, trong đó trên 84% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí giữa các vùng không đồng đều; đời sống người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn…
Với phương châm đầu tư cho vùng lõi nghèo, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hỗ trợ người dân tạo sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm tạo động lực để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, Bát Xát tập trung trọng tâm vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch phân bổ, tổng huy động vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Bát Xát giai đoạn 2021-2025 là trên 777 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 373 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 166 tỷ đồng, còn lại là huy động từ cộng đồng doanh nghiệp và vốn tín dụng.
Mô hình trồng lê với cây lê VH6 được chọn là một trong những ngành hàng chủ lực của huyện Bát Xát |
Năm 2022-2023, huyện Bát Xát đã giải ngân được 200 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng ở các xã nghèo. Nguồn vốn này được cụ thể hóa thành 6 dự án thành phần như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà cho hộ nghèo và hộ cận nghèo...
Một số mô hình đã phát huy hiệu quả, như mô hình trồng cây ăn quả quy mô 1.665 ha, tập trung chủ yếu tại xã Nậm Pung, Pa Cheo, Y Tý… Trong đó, cây lê (lê VH6) được chọn là một trong những ngành hàng chủ lực của huyện, với tổng diện tích Lê trên 383 ha… Hiện quả của cây lê giúp người dân nâng cao thu nhập giảm nghèo. Hay các mô hình cải tạo, thâm canh, phát triển và sản xuất chè; mô hình trồng cây quế; mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồng, gắn với không gian văn hóa của người Hà Nhì, Người Dao đỏ, người Mông; dự án chăn nuôi ngựa triển khai có hiệu quả với trên 2.400 con ngựa; mô hình lợn đen bản địa với quy mô gần 41.000 con cũng phát huy hiệu quả, bước đầu mang lại thu nhập cho người dân.
Đoàn Kinh tế Quốc phòng 345 cấp dê giống cho hộ nghèo xã A Lù để chăn nuôi, thoát nghèo (Ảnh: CTTĐTLC) |
Song song với việc triển khai các mô hình, dự án, trong năm 2023, huyện Bát Xát đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm cho 3.599 lao động tham gia. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, nhà hảo tâm và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ xây 745 nhà (trong đó: 359 nhà làm mới và 386 nhà sửa chữa) cho hộ nghèo, gia đình chính sách...
Điểm nhấn trong công tác giảm nghèo được huyện Bát Xát triển khai là chủ trương phân công “Mỗi một cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phụ trách giúp đỡ 01 hộ nghèo thoát nghèo”. Theo đó, đã có 945 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của 54 cơ quan, đơn vị đã phụ trách, giúp đỡ 945 hộ nghèo thoát nghèo, bằng nhiều hình thức, nội dung cụ thể như: Hỗ trợ công cụ, phương tiện, vật tư sản xuất, cây con giống; hướng dẫn cách làm ăn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm; hỗ trợ cải thiện nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, hỗ trợ pháp lý...
Với những cách làm đó, hết năm 2023 Bát Xát giảm 1.220 hộ nghèo. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2024, huyện Bát Xát đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tích cực xã hội hóa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo nhất là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững…