Thứ năm 28/11/2024 12:18

Chuyên gia hiến kế xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm

Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được nhận định cần đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng hơn, bởi khi có nền tảng thể chế tốt đồng nghĩa sẽ có con đường đi đúng.

PGS.TS Trần Đình Thiên- Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm - xác định rõ "điểm đến"

Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm không bao trùm, bởi lẽ đã có nhiều luật công nghiệp phân ngành đã được xây dựng như Luật Hoá chất, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản… nhưng những luật này có bảo đảm cho những lĩnh vực đối tượng phát triển như mong đợi hay không? Đó là câu hỏi cần được trả lời và rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Dự án Luật mới.

Cho đến nay, công nghiệp hoá chưa thành công liệu rằng có phải do khiếm khuyết trong chính sách phát triển những ngành công nghiệp nền tảng hay do thái độ tiếp cận chưa nghiêm túc nên chưa đạt mục tiêu? Và Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm này không bao trùm nhưng bổ sung vào sự khiếm khuyết ấy.

PGS.TS Trần Đình Thiên- Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Đối với đối tượng của Dự án Luật, cần xác định và lựa chọn đối tượng nào là công nghiệp trọng điểm, đối tượng nào là dẫn xuất vìnguồn lực thực hiện Luật sẽ rất hạn chế. Việc tiếp cận đối tượng trong Dự án Luật cũng sẽ phức tạp hơn, bởi không chỉ đối đầu với cấu trúc công nghiệp cổ điển mang tính chất khép kín mà còn phải đối mặt với công nghiệp hướng tới tương lai, công nghệ cao và hàng loạt tiêu chuẩn môi trường cực kỳ cao. Do vậy, khi xây dựng Dự án Luật cũng cần tiếp cận tới cấu trúc phát triển khác trong đó có cơ cấu ngành, hệ thống tổ chức.

Chức năng của Dự án Luật là tạo ra khung khổ hoạt động thuận lợi, theo cơ chế thị trường bình thường và thúc đẩy cạnh tranh. Đặc biệt, trong Dự án Luật không ưu tiên quá đà cho các đối tượng mà hỗ trợ bằng chính sách là chủ yếu.

Về phạm vi của Dự án Luật, phải có tiêu chuẩn rõ ràng hơn, đủ để làm mốc lựa chọn các ngành đối tượng và khung thời gian ưu đãi, ưu tiên cho phù hợp.

Tinh thần của Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm khác hẳn các đạo luật khác, được xây dựng theo hướng mở để thúc đẩy phát triển chứ không phải quản lý. Do vậy, trong Dự án Luật cũng cần quy định rõ Nhà nước làm gì, tư nhân được làm gì và không can thiệp sâu gây tổn hại thị trường. Hai đối tượng này cần có sự kết hợp, bổ trợ cho nhau cùng phát triển chứ không vì lợi ích nhóm. Chúng ta nên học theo các nước đi trước ưu tiên, ưu đãi luôn đi kèm với các cam kết rất khốc liệt.

Để thành công cần phải đảm bảo được sự đồng thuận quốc gia trong xây dựng và phát triển Dự án Luật này. Bộ máy giám sát, thực thi Dự án Luật cũng cần đủ mạnh, cần có sự tham gia của đối tượng đủ quyền lực và bộ máy ở dưới phải trung tính và không nghiêng về bên nào.

Để phát triển "đúng địa chỉ", Luật Công nghiệp trọng điểm cũng cần đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng hơn, lựa chọn các ngành ưu tiên gắn với chính sách ưu đãi cụ thể, khuyến khích mở ra thị trường cạnh tranh.

TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

Luật Công nghiệp trọng điểm đặt mục tiêu cao hơn là dẫn dắt, lan toả

Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm cần những chính sách mang tính chất hỗ trợ chung, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách thức thực hiện ưu đãi đối với doanh nghiệp nên tránh hành chính hoá, tạo ra những rào cản mà nên sử dụng công nghệ và những cách thức thị trường, nên ưu đãi theo kết quả đầu ra. Ví dụ, chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát minh sáng chế có thể triển khai theo cách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư để nghiên cứu tạo ra phát minh sáng chế và để tránh việc lạm dụng phải đặt ra các tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục hành chính.

Ngoài ra, khi xây dựng Luật cần hướng tới cách tiếp cận chung là tiếp cận chủ đạo: Một là chọn ra một doanh nghiệp lớn dùng các chính sách để phát triển hơn; thứ hai tạo ra nền tảng chung để các doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh và sàng lọc ra một doanh nghiệp lớn.

TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Luật Công nghiệp trọng điểm đặt mục tiêu cao hơn là dẫn dắt, lan toả, như vậy có thể trùng về lĩnh vực nhưng không trùng định hướng, tương tự như việc trùng hình thức nhưng không trùng về nội dung. Thậm chí phải tính đến cả nguyên tắc phối hợp ban hành chính sách để có thể đảm bảo tính nhất quán mà chúng ta đã xác định.

Và cũng cần nhấn mạnh đến một số ngành công nghiệp trọng điểm mang tính chất nền tảng, đẩy mạnh một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, có nhiều chính sách hỗ trợ trong ngành công nghiệp, hướng tới các đối tượng khác nhau như đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, nếu thiếu đi tính phối hợp, điều hoà chính sách một cách tổng thể thì sẽ dẫn đến nguy cơ chồng chéo và có những khoảng trống.

Trong Luật Công nghiệp trọng điểm cần đề xuất chính sách về phát triển công nghiệp một cách cụ thể. Đây là điều rất cần thiết và quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đồng thời, quá trình xây dựng Luật cũng cần tính toán đến việc tổ chức thực thi, cân nhắc giao cho một cơ quan đủ thẩm quyền thay vì giao cho các Bộ theo phạm vi chức năng.

TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm cần tạo được sự kích thích đồng thời ràng buộc chặt chẽ

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo mục tiêu của một số kỳ Đại hội Đảng cho đến nay chưa thực hiện được, cần phải xác định được nguyên nhân vì sao.

Mặt khác, thời gian qua, thực hiện công nghiệp hoá đã rút ra bài học gì về phát triển doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, địa phương, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Những nút thắt này cũng cần được nhìn nhận để trong văn bản chính sách mới trong đó có Luật Công nghiệp trọng điểm có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời Luật sẽ thúc đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng quan trọng cho thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam đã “lỡ hẹn” 3 lần.

TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Chúng ta thực hiện công nghiệp hoá trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo…; áp lực về kinh tế xanh rất dữ dội, sản xuất ra sản phẩm không theo tiêu chí xanh không bán được, thậm chí sẽ bị trừng phạt; Việt Nam cam kết hội nhập rất sâu rộng trong khi nền công nghiệp chưa phát triển nên sứ mệnh của Luật này là thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, mạnh và an toàn. Xét những khía cạnh trên, Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm còn cần bao gồm cả kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế có năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Dù vậy vẫn nên làm rõ vai của doanh nghiệp Nhà Nước, kinh tế tư nhân phát triển như thế nào, thu hút đầu tư FDI ra sao? Qua xem xét thực tế, một số địa phương thu hút doanh nghiệp FDI quy mô quá nhỏ, không đem lại lợi ích về công nghệ nhưng vẫn được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế. Nên chăng cần xem xét lại các ưu đãi, thậm chí xây dựng thước đo khắt khe hơn về chuyển giao khoa học công nghệ, giá trị gia tăng, xuất khẩu… trong thu hút đầu tư FDI để đạt mục tiêu công nghiệp hoá thực chất hơn.

Trong Dự án Luật cũng nên bổ sung luận điểm về sự kết nối giữa các Viện, trường- cơ sở khoa học, doanh nghiệp tư nhân- doanh nghiệp Nhà nước và cần có sự phân công linh hoạt giữa các đối tượng để có sự kết hợp hài hoà và hợp lý hơn.

Với một số đạo luật hiện hành có liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghiệp quốc phòng nên kết hợp cùng Luật Công nghiệp trọng điểm để có sự bổ trợ, tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Quan trọng, Ban soạn thảo Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nên làm rõ trọng điểm của luật là gì, nên có chương trình định kỳ xem xét báo cáo, phần thưởng và chế tài nhằm thực thi hiệu quả.

Một trong những tinh thần được quán triệt trong quá trình xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là xác định rõ các ngành trong phạm vi điều chỉnh, đảm bảo khi ban hành Luật sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển chứ không phải công cụ tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp.

Việt Anh - Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Công nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không: Cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư thương mại du lịch

Xây dựng Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Báo chí góp phần quan trọng kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: GEFE 2024 - cơ hội hướng đến phát triển xanh và bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách với khách mời trong nước và quốc tế

Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh

Sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024):Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đại

Sửa quy định về miễn kiểm tra chất lượng hàng hoá, không để doanh nghiệp gian lận

Chứng minh người nộp đơn 'biết' hoặc 'có cơ sở để biết' trong các vụ việc đăng ký nhãn hiệu

Cơ sở pháp lý và cách tiếp cận để giành lại nhãn hiệu bị đăng ký với dụng ý xấu

Bày tỏ tình cảm tiếc thương Tổng Bí thư là đáng quý nhưng cần tỉnh táo!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Sự mất mát để lại niềm tin gắn kết

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 có gì mới và đặc biệt?

Công bố Ngày truyền thống 2/10/1945: Dấu mốc phát triển mới của Báo Công Thương

Ứng dụng công nghệ mới tăng cường nội lực, tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt

Đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh có gì hấp dẫn?

Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng GDP: Đòi hỏi sự ứng biến phù hợp!

Chuyển đổi số trong ngành logistics: Chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức