Chương trình OCOP- Mỗi sản phẩm là một viên gạch tạo dựng nông thôn mới
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”- Chương trình OCOP (One commune one product) giai đoạn 2018 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước ở đây đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Chương trình OCOP ngày càng đáp ứng được các tiêu chuẩn về xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc |
Mục tiêu của Chương trình OCOPnhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Song song đó, chương trình còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Chương trình được thực hiện với hai nguyên tắc sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó sản phẩm hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Theo đó, hạng 5 sao với sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 4 sao với sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 3 sao với sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao; hạng 2 sao với sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao; hạng 1 sao với sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.
Chương trình OCOP tuy mới triển khai song do việc đáp ứng đúng nhu cầu phát triển đã thực sự trở thành một giải pháp đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trên cả nước đã có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó, 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Đồng thời, đã có hơn 4.392 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 25,8% là doanh nghiệp, 33% là cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Sản phẩm OCOP cho thấy sức sống mạnh mẽ của nội lực trong phát triển |
Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp.
Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và chương trình OCOP nói riêng có thể được xem như một thành tựu nổi bật thứ hai trong việc phát huy vai trò điểm tựa của nền kinh tế cũng như đóng góp vào ổn định tăng trưởng, ổn định xã hội của khu vực nông nghiệp. Thành tựu nổi bật thứ nhất chính là khoán 10 trong thập niên 90 của thế kỷ trước đóng vai trò giải phóng lực lượng sản xuất, năng lực sản xuất từ địa hạt nông nghiệp để từ đó làm đòn bẩy xoay chuyển thế thoát ra khỏi khủng hoảng, thoát nghèo đói.
Chương trình cũng cho thấy nông nghiệp Việt Nam không chỉ đủ khả năng giải quyết những vấn đề “cập thời” của mỗi giai đoạn, từ việc lo “nồi cơm” của từng gia đình đến “nồi cơm” của cả nền kinh tế với những chất lượng mới, tiêu chí mới bằng việc tạo dựng những sản phẩm đáp ứng được đòi hỏi của xã hội hôm nay, thị trường hôm nay bao gồm cả thị trường khu vực, liên khu vực trong nước và rộng hơn là thị trường quốc tế.
Câu chuyện qua 5 năm thực hiện Chương trình OCOP cho thấy sức mạnh của nội lực của thể chế từ cấp Trung ương, các bộ hữu quan trong đó có vai trò trực tiếp của Bộ Công Thươngđến những chính sách cụ thể ở từng địa địa phương. Ít có một chương trình nào tạo được sự đồng thuận cao, sự tham gia đầy đủ với tinh thần trách nhiệm từ chính quyền đến từng hộ gia đình, người nông dân. Mỗi một sản phẩm OCOP dù còn và sẽ được gắn hạng “sao” nào đó nhưng đều chứa đựng trong đó ý thức về phát triển, không cam chịu đói nghèo, tụt hậu mà sẵn sàng tạo dựng một không gian phát triển ngay trên mảnh đất của mình, ngay từ nơi đã từng in dấu ấn khai mở của các bậc tiền nhân
OCOP không chỉ là câu chuyện về sản phẩm, về thương hiệu, về kinh tế mà còn là câu chuyện về hội nhập. Ở đây hội nhập tự khoác lên mình một chất lượng mới theo đó, hội nhập không còn là chuyện ở nơi nào đó, của sản phẩm nào đó mà hội nhập đã hiện diện ngay nơi làng xã thân thuộc của các hộ sản xuất của người nông dân. Không ít nơi đã thấm đẫm tinh thần “yêu cây như con”. Hội nhập đã trở thành yếu tố tự thân, cũng là nhu cầu với việc xây dựng các sản phẩm OCOP với các giá trị căn bản như sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cùng việc đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, những tín hiệu căn bản của thị trường
OCOP cũng còn là câu chuyện về văn hoá. Mỗi một sản phẩm OCOP đã và đang tự khẳng định bản sắc đa dạng, đa sắc màu về thương hiệu, về giá trị để khi nó ra khỏi nơi sản xuất, nuôi trồng đã góp vai trò như một sứ giả, như một câu chuyện về nơi làm ra nó, người làm ra nó. Giá trị văn hoá của mỗi sản phẩm OCOP ngày càng lớn hơn giá trị vật chất mà mỗi sản phẩm OCOP mang trên mình.
Đương nhiên với một chương trình mới được triển khai như chương trình OCOP sẽ còn nhiều việc cần phải làm cũng như cần đến những tư duy mới, cách làm mới. Bởi xu hướng thị trường vẫn ngày càng hướng tới việc “quý hồ tinh” bên cạnh việc “quý hồ đa”.
Nhưng cũng đã có cơ sở để khẳng định, mỗi sản phẩm từ Chương trình OCOP sẽ vẫn là một viên gạch tạo dựng nông thôn mới.