Thứ tư 20/11/2024 07:31

Chưa xóa được nỗi lo thực phẩm Tết mất an toàn vệ sinh

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng thực phẩm mất an toàn vệ sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp. Để bữa cơm, mâm cỗ ngày Tết ngon và sạch, các cơ quan chức năng đã lập nhiều đoàn kiểm tra nhằm siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Cứ kiểm tra là phát hiện sai phạm

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố hiện đã được quản lý tốt hơn trước đây nhưng tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng vẫn diễn ra và diễn biến phức tạp.

Theo bà Lan, chỉ riêng trong tháng 12/2020, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 466,8 triệu đồng. Trong đó, 9 cơ sở vi phạm do không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có hồ sơ tự công bố, không nộp hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý.

Để các loại thực phẩm lưu thông, bày bán, cung cấp cho người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên. Theo đó, các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, nước giải khát... tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng, các kho lạnh chứa thực phẩm, các lễ hội, sự kiện trên địa bàn. Riêng tại 3 chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức, lực lượng kiểm tra sẽ trực 24/24 giờ để kiểm tra hàng hóa nhập chợ và hoạt động kinh doanh tại đây.

Lực lượng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu thực phẩm kiểm tra chất lượng

Trong những ngày ra quân kiểm tra vừa qua, lực lượng kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm của cơ sở, cá nhân đối với an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày 13/1/2021, Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận (quận Bình Tân - Tân Phú - Tân Bình) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, phát hiện cơ sở này đang kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, phụ phẩm động vật không đăng ký kinh doanh theo quy định; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ 5.594kg thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các phụ phẩm động vật không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó có 4.400kg lá lách bò, 760kg trứng gà non, 342kg heo ba chỉ, 42kg sụn gà, 50kg cá thác lác. Lô hàng đã bị tiêu hủy và xử phạt 90 triệu đồng. Chủ hàng khai nhận, lô hàng này thu mua không có chứng từ, hóa đơn từ Hà Nội, Nha Trang.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh - cho hay, trong năm 2020, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra 686 vụ (giảm 295 vụ so với năm 2019) về an toàn vệ sinh thực phẩm, đã phát hiện 302 vụ vi phạm. Trong đó đã tạm giữ 234.839 đơn vị thực phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 3.486 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại hết hạn sử dụng; 6.391 đơn vị sản phẩm thực phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, buôn bán hàng hóa sử dụng tem, nhãn, bao bì giả và tổng số tiền xử phạt hơn 4,9 tỷ đồng.

Siết chặt hoạt động kinh doanh thực phẩm Tết

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố hiện đã có ý thức cao về an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm uy tín đã đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, tự phát chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu để sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng vẫn còn diễn ra với diễn biến khó lường.

Trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, ông Đạt cho biết, lực lượng QLTT thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn liên ngành, chính quyền các quận huyện trên địa bàn thành phố tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông, kinh doanh thực phẩm. Mục tiêu là loại trừ các loại thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không có nguồn gốc, thực phẩm chế biến từ nguyên liệu kém phẩm chất, hết hạn sử dụng để đảm bảo những bữa ăn, mâm cỗ ngày Tết ngon và sạch cho người tiêu dùng.

Mặc dù an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình) vẫn luôn được kiểm soát chặt nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại về chất lượng thực phẩm khi Tết đến gần

Sau khi kiểm tra các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, chợ An Đông (quận 5), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) về an toàn vệ sinh tực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, mặc dù trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra và xử lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, thực tế không tránh được tình trạng một số cá nhân lợi dụng sức mua thị trường Tết tăng cao để trà trộn hàng kém chất lượng nhằm bán cho người tiêu dùng.

“Đối với hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết này, lực lượng kiểm tra sẽ tăng cường tần suất kiểm soát để phát hiện những loại thực phẩm không an toàn vệ sinh đồng thời không cho lưu thông ngoài thị trường”, bà Lan chia sẻ.

Ông Phan Thanh Tân - Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền - cho biết, trong 10 đêm cận Tết, dự kiến lượng hàng hóa đưa vào chợ đầu mối tăng bình quân 20 - 25% so với ngày thường. Đặc biệt những đêm cao điểm 27 - 28 tháng Chạp, lượng hàng nhập về chợ tăng trên dưới 50%, đạt khoảng 3.600 - 4.000 tấn/đêm. Theo ông Tân, để hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng an toàn thực phẩm, lực lượng chuyên trách của chợ đầu mối cùng với cơ quan chức năng trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng vào chợ trong thời điểm Tết.

Trần Thế
Bài viết cùng chủ đề: An toàn thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

Kết nối tiêu thụ, hướng đến tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn

Hà Nội: Khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024

Hà Nội: Quảng bá và giới thiệu mô hình chợ an toàn thực phẩm tại quận Long Biên

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài yêu cầu nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm

Làm cách nào để đảm bảo an toàn với thực phẩm hỗ trợ vùng bão lũ?

Hà Nội: Từ ngày 13 đến 17/9, diễn ra Lễ hội An toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024

Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Trung thu

Đắk Lắk nâng cao công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Miền Trung tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

84,6% người tiêu dùng Việt ưu tiên sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc rõ ràng

Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Tuyên Quang: Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024

Sở Công Thương Bình Dương: Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịp Tết Trung thu

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu

Bình Thuận: Gần 100 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trong 7 tháng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kịp thời hướng dẫn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Bánh trung thu ‘handmade’: Lo ngại từ những nguyên liệu ‘rởm’

Thị trường bánh trung thu handmade: Nở rộ nhưng có an toàn?

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tiêu hủy lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc

Làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu?