Ảnh: Cấn Dũng
CôngThương - Chiến lược đã đề ra một số mục tiêu cơ bản trong phát triển KH-CN. Cụ thể: giai đoạn 2011-2015, phải đạt tốc độ đổi mới công nghệ 10 – 15%/năm; giai đoạn 2016 - 2020, đạt trên 20%/năm. Phấn đấu tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP năm 2015; trên 2% vào năm 2020. Về nhân lực, đến năm 2015, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 9 - 10 người/1 vạn dân; đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế 5.000 kỹ sư công nghệ cao trong các ngành. Bên cạnh đó, đến năm 2020, hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, 5.000 doanh nghiệp KH - CN, 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, chiến lược đưa ra những giải pháp cơ bản. Thứ nhất, tập trung nỗ lực và đề xuất cơ chế bảo đảm khả năng xác định đúng các nhiệm vụ, đồng thời sàng lọc, hạn chế thấp nhất nhiệm vụ bị xác định sai, không đúng tầm. Thứ hai, tập trung các giải pháp về đầu tư tài chính cho KH-CN. Thứ ba, bên cạnh cơ chế chuyển đổi các tổ chức KH-CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xây dựng và tạo cơ chế để phát huy vai trò của các doanh nghiệp KH-CN. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng thiết kế và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KH-CN lớn, mang tầm vóc quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Nghiêm Vũ Khải, Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011 – 2020 là văn bản có tính chất tổng quan từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ và giải pháp, bảo đảm phát triển KH-CN đến năm 2020. Chiến lược được xây dựng trên cơ sở những bài học được rút ra từ quá trình thực hiện Chiến lược Phát triển KH - CN Việt Nam đến năm 2010. Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế trong giai đoạn trước, chiến lược đã có tầm nhìn mới, giải pháp mới phù hợp với bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới. Xác định được khâu then chốt, tháo gỡ căn bản những nút thắt để phát triển KH-CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp, chiến lược đã đặt ra nhiệm vụ tăng cường xã hội hóa đầu tư cho KH-CN, tăng cường nguồn lực ngoài Nhà nước. Trong đó có chủ trương thí điểm xây dựng một số trung tâm nghiên cứu của nước ngoài tại Việt Nam, nhất là tại các khu công nghệ cao.
Điểm nhấn quan trọng của chiến lược là giao quyền tự chủ và tạo hành lang thuận lợi nhất cho các tổ chức KH-CN, hình thành hệ thống doanh nghiệp KH-CN. Thời gian qua, Việt Nam mới chỉ ban hành những văn bản mang tính nguyên tắc về phát triển doanh nghiệp KH-CN. Trong giai đoạn mới, phải bắt tay vào xây dựng một hệ thống KH-CN với số lượng đến năm 2020 là 5.000 doanh nghiệp. Đây rõ ràng là nguồn lực sản xuất mới trong nền kinh tế. Ngoài ra, toàn bộ các tổ chức KH-CN công lập sẽ chuyển sang hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp - cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo của các nhà khoa học và nâng cao hiệu quả của hoạt động KH-CN.
Trong đổi mới cơ chế tài chính cũng như chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ cũng có những bước tiến mới. Theo đó, chiến lược tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các nhà khoa học, tạo quyền tự chủ cao nhất cho các tổ chức KH - CN, đồng thời có chính sách trọng dụng cán bộ KH – CN. Yêu cầu phải có đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư hoặc các chuyên gia khoa học cao cấp, để có thể tạo ra được những sản phẩm công nghệ, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế.