Trong khuôn khổ sự kiện Motor Expo 2024 đang diễn ra tại tỉnh Nonthaburi (Thái Lan), nhà phân phối Rever Automotive của BYD đã thông báo chương trình giảm giá đặc biệt cho các mẫu xe điện. Đây là động thái thu hút khách hàng của hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc sau khi khai trương nhà máy tại quốc gia này.
Cụ thể, mẫu SUV điện BYD Atto 3 hiện có giá 759.900 baht (khoảng 559 triệu đồng) cho phiên bản Dynamic và 899.900 baht (khoảng 662 triệu đồng) cho phiên bản Extended.
So với thời điểm ra mắt ban đầu, giá phiên bản Extended đã giảm hơn 299.000 baht (hơn 221 triệu đồng). Trong khi đó, mẫu sedan điện cỡ D BYD Seal cũng ghi nhận mức giảm mạnh.
Cụ thể, phiên bản Dynamic hiện có giá 999.900 baht (khoảng 735 triệu đồng), bản Premium giá 1,099 triệu baht (khoảng 808 triệu đồng) và bản Performance có giá 1,199 triệu baht (khoảng 882 triệu đồng). So với giá niêm yết ban đầu, giá BYD Seal đã giảm từ 325.100 - 500.000 (240 - 370 triệu đồng).
Đặc biệt, mặc dù giá giảm mang lại lợi ích cho khách hàng mới, không ít chủ xe BYD trước đây bày tỏ sự không hài lòng. Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan cho biết nhiều khách hàng nước này đang yêu cầu BYD xem xét đền bù khoản chênh lệch, tạo nên làn sóng tranh luận trong cộng đồng.
Đáng chú ý, thương hiệu kể trên cũng đang phân phối các mẫu xe điện tại Việt Nam. Cụ thể, BYD cũng phân phối các mẫu xe Dolphin, Atto 3 và Seal với giá từ 650 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, làn sóng giảm giá tại Thái Lan khiến người tiêu dùng Việt Nam không khỏi lo lắng về nguy cơ "mất giá" nhanh chóng. Trong khi đây là yếu tố luôn được quan tâm của đa số người tiêu dùng trong nước.
Nhận định về mức giá của các dòng xe điện BYD, anh Lê Vương Thịnh, quản trị viên của diễn đàn Xe TV chia sẻ với PV Báo Công Thương: "BYD Thái Lan vừa mới có đợt giảm giá mới đối với 2 mẫu xe Atto 3 và Seal với mức giảm cao nhất lên đến 400.000 baht, tương đương gần 300 triệu đồng. Như vậy giá của mẫu sedan chạy điện Seal khởi điểm ở mức hơn 720 triệu đồng chút. Cuộc cạnh tranh về giá bán tại thị trường Đông Nam Á sẽ ngày càng quyết liệt khi các hãng xe điện Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng thừa".
Bên cạnh đó, anh Lê Vương Thịnh đánh giá rằng "con đường" xuất khẩu xe điện đi châu Âu và Mỹ của BYD đang gặp nhiều trở ngại khi các chính sách thuế mới của nhiều chính phủ được đặt ra để ngăn xe điện Trung Quốc xâm nhập quá nhanh. Dự thảo thuế mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump thậm chí còn tăng mức thuế đối với xe điện nhập khẩu từ cả Canada và Mexico, nơi có nhiều nhà máy xe ô tô của các hãng xe.
Trong khi đó, Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan mới đây đã công bố kết quả điều tra về các chương trình giảm giá của BYD và kết luận hãng này không vi phạm luật quảng cáo. Họ chỉ phạt một khoản tiền nhỏ (120.000 baht, tương đương gần 90 triệu đồng) đối với công ty Rever Automotive, đơn vị phân phối xe BYD ở Thái Lan.
Theo anh Lê Vương Thịnh, ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được bài toán "con đường tơ lụa" đi đến các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ nên trong thời gian ngắn tới đây, những thị trường như Đông Nam Á sẽ nhận được nhiều xe điện Trung Quốc hơn do sản lượng xe điện hiện tại quá dư thừa trong nước. Do đó, nhiều khả năng các dòng xe điện BYD của Trung Quốc vẫn có thể giảm giá tại Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực.
Ngoài ra, theo một số nhận định khác, các mẫu xe điện Trung Quốc vẫn còn gặp một số rào cản tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, với mức giá khoảng hơn 650 triệu đồng, khách hàng hiện có thể lựa chọn nhiều dòng xe xăng phổ thông, loại phương tiện mà chủ sở hữu không cần thay đổi thói quen sử dụng.
Trong khi đó, BYD từ Trung Quốc mới về Việt Nam chưa đáp ứng được khách hàng về hạ tầng trạm sạc. Theo đại diện BYD Việt Nam, hãng chủ trương không tập trung xây dựng trạm sạc công cộng riêng, thay vào đó khách hàng sẽ sạc tại các trạm của bên thứ ba phát triển.
Tuy nhiên hầu hết trạm sạc tại Việt Nam thuộc sở hữu của VinFast và chỉ phục vụ sản phẩm của thương hiệu này. VinFast đã thông báo sẽ chia sẻ trạm sạc với các hãng khác nhưng cần thời gian để thực hiện. Điều này là dễ hiểu khi tại Mỹ, hãng xe điện lớn nhất là Tesla phải vận hành hơn 10 năm mới có ý định chia sẻ trạm sạc đối với các hãng xe khác.
Vì vậy, để chủ động nhất, người mua chỉ có thể lắp trạm sạc ở nhà. Điều này được nhận định là vấn đề lớn với người dùng tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM, làm thu hẹp tệp khách hàng.
Mẫu xe BYD Seal được nhiều chuyên gia đánh giá cao về cảm giác lái. Ảnh: Trần Đình |
Đồng thời, dù được nhiều chuyên gia ô tô trong nước đánh giá cao về cảm giác lái, nhưng tâm lý e ngại hàng Trung Quốc của khách hàng Việt vẫn tạo nên rào cản đối với BYD. Nhất là khi trong thời gian qua, tại Thái Lan, ngày càng có nhiều khiếu nại về chất lượng của BYD về tình trạng bong tróc sơn và nhựa. Trong khi đó, ở Israel, xe BYD EV được cho là đã bị cong vênh dưới sức nặng của giá nóc.
Truyền thông châu Âu cũng lưu ý rằng dù nấm mốc có thể xảy ra phổ biến trên ô tô, đặc biệt khi chúng được bảo quản trong thời gian dài trong điều kiện ẩm ướt, nhưng vấn đề với ô tô BYD là chúng không được xử lý thích hợp để loại bỏ nấm mốc.
Để có thể tiếp cận tới khách hàng Việt, BYD chắc chắn còn nhiều việc phải làm tại thị trường Việt Nam. Bởi, ô tô vẫn là một tài sản lớn với đa số khách hàng trong nước, khiến người mua luôn cẩn trọng khi "chốt đơn". Do đó, chính sách bền vững về giá, hậu mãi và độ tin cậy trở nên rất quan trọng đối với tất cả hãng xe. Đặc biệt, là một thương hiệu lớn tại Trung Quốc, độ uy tín của BYD sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhiều thương hiệu cùng “quê nhà” khác trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang đón “làn sóng” các mẫu xe đến từ quốc gia này.