Cảnh báo hóa đơn tiền điện tháng 4 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng đột biến
Theo ghi nhận, thời tiết nắng nóng tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra từ giữa tháng 2 kéo dài đến hết tháng 3. Nhiệt độ trung bình chỉ một vài ngày trong tháng ở mức 35 độ C, còn lại đa số các ngày đều ở mức 36-37 độ C dẫn đến nhu cầu sử dụng điện làm mát tại các hộ gia đình rất lớn.
Công nhân ngành điện TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng (app) EVNHCMC CSKH để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện (Ảnh: Thanh Minh) |
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Tính đến ngày 26/3, sản lượng tiêu thụ bình quân tại TP. Hồ Chí Minh đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12% (tương đương 8,38 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023 do nhiệt độ môi trường tăng.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ khách hàng sử dụng từ bậc thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30%. Trong khi đó, những tháng trước chỉ có khoảng 20%. Lượng sử dụng điện tăng sẽ dẫn đến hóa đơn tiền điện trong tháng 3 cao hơn các tháng trước.
Theo ông Bùi Trung Kiên, trong tháng 3, nắng nóng chủ yếu trong buổi trưa; sáng sớm và chiều tối thời tiết dễ chịu nên nhu cầu sử dụng điện tập trung vào buổi trưa. Sang tháng 4 là cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37-40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn.
Thời tiết oi bức từ sáng sớm và kéo dài đến đêm nên thời gian sử dụng máy lạnh, quạt điện… để giải nhiệt, làm mát tại nhiều hộ gia đình sẽ tăng lên. Dự báo sản lượng điện sử dụng của các hộ gia đình trong tháng 4 sẽ tăng đến 30-40% so với tháng 3.
Hiện hệ thống điện của TP. Hồ Chí Minh có độ dự phòng về công suất 40-60% tùy theo cấp điện áp. Do đó, ngành điện đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ tải của thành phố theo tất cả kịch bản tăng trưởng. Tuy nhiên, không loại trừ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm.
Để tránh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, ngành điện đề nghị khách hàng sử dụng các giải pháp để giảm lượng tiêu hao điện không đáng có. Cụ thể, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; thường xuyên vệ sinh thiết bị điện…
Tổng công ty đã phát triển ứng dụng EVNHCMC CSKH với nhiều tính năng như theo dõi lượng điện tiêu thụ và số tiền điện tương ứng, báo sự cố, nhận hóa đơn điện tử, đăng ký dịch vụ trực tuyến. “Khách hàng cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH trên điện thoại di động để có thể theo dõi lượng điện sử dụng hàng ngày, giúp khách hàng theo dõi tình hình sử dụng điện của hộ gia đình từng ngày/tháng. Qua đó chủ động điều chỉnh để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình” - ông Bùi Trung Kiên khuyến nghị.
Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6/2024 tiếp tục tăng cao đạt từ 84,30 đến 87,60 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4 và 5 năm 2024 dự báo sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP. Hồ Chí Minh. |