Vì sao hoá đơn tiền điện tại TP. Hồ Chí Minh tháng 4 tăng cao đột biến? 99,9% người dân TP. Hồ Chí Minh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt |
Hóa đơn tiền điện giảm giảm mạnh
Theo ghi nhận, sản lượng điện tiêu thụ của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đã giảm so với các tháng nắng nóng. Trong đó, số lượng khách hàng thanh toán tiền điện ở bậc thang giá bán lẽ điện sinh hoạt thứ 6 của tháng 7 đã giảm mạnh so với tháng cao điểm nắng nóng.
Nhân viên ngành điện hướng dẫn khách hàng theo dõi các chỉ số sử dụng điện, sản lượng điện trên ứng dụng EVNHCMC CSKH (Ảnh: Thanh Minh). |
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh - cho biết: "Theo thống kê, số lượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở các bậc thang giá điện thứ 5 và bậc thang thứ 6 của tháng 7 đã giảm trung bình khoảng 10,76 % so với các tháng 4,5/2024 (tháng cao điểm của nắng nóng)".
Trong đó, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở bậc thang thứ 6 (sử dụng điện từ 401 kWh trở lên với giá điện 3.015 đồng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) đã giảm 11,30 % (khoảng 270 ngàn khách hàng) so với tháng cao điểm mùa nắng nóng.
Lý giải về nguyên nhân chính làm lượng tiêu thụ điện ở bậc cao giảm mạnh kéo theo hóa đơn tiền điện giảm so với các tháng trước, đại diện Tổng công ty Điện lực cho biết là do thời tiết tại TP. Hồ Chí Minh đã bước sang mùa mưa. Khí hậu thời điểm này mát mẻ, ban đêm và gần sáng nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.
Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát đã giảm, đặc biệt thời gian sử dụng máy lạnh cũng đã được rút ngắn hơn trước, không còn sử dụng liên tục ở chế độ cài đặt nhiệt độ thấp (18 - 23 độ C) nên sản lượng điện tiêu thụ của các gia đình giảm mạnh. Từ đó, giá điện sinh hoạt chỉ rơi vào trong khoảng từ bậc 1 đến bậc 4, một phần ít của bậc 5, bậc 6 làm cho chi phí tiền điện trong gia đình giảm mạnh.
Mặt khác, người dân TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện hiệu quả sử dụng điện tiết kiệm điện, tạo thành thói quen hàng ngày trong sinh hoạt. Ngoài ra, các hộ gia đình đã sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng để tiết kiệm điện. Đây là kết quả sự vận động, tuyên truyền lâu dài của ngành điện và các tổ chức đoàn thể địa phương.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (nhà ở quận 1) cho biết, tháng 4/2024, hóa đơn tiền điện gia đình chị trả 1,7 triệu đồng. Riêng sản lượng tiêu thụ ở bậc thang thứ 6 là 198 kWh với số tiền hơn 600 ngàn đồng. Tuy nhiên, tháng 7/2024, hóa đơn tiền điện chỉ hết hơn 1 triệu đồng. Sản lượng điện tiêu thụ ở bậc 6 chỉ 35 kWh với số tiền hơn 100 ngàn.
“Các thiết bị điện trong gia đình tôi không có gì thay đổi. Tháng 7 này còn có các cháu nhỏ nghỉ hè, ở nhà nhiều nên việc sử dụng các thiết bị điện như tivi, quạt cũng nhiều hơn nhưng tiền điện phải trả lại ít hơn” - chị Hồng Nhung chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Quang (nhà ở TP. Thủ Đức) cho biết: Hóa đơn tiền điện tháng 5 gia đình anh phải trả hơn 2 triệu đồng, nhưng sang tháng 7 chỉ còn 1,3 triệu. “Trên App của ngành điện ghi rõ chỉ số điện tiêu thụ: tiền điện bậc 6 của tháng 7 là 299.345 đồng, trong khi tháng 5 là 1.061.887 đồng” - Nguyễn Đức Quang nói.
Theo dõi tiêu thụ điện qua ứng dụng để sử dụng hiệu quả
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Đến nay, 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được lắp đặt công tơ đo đếm từ xa.
Theo đó, hệ thống đo xa không chỉ thu thập chỉ số điện từ xa để tính toán hóa đơn tiền điện cho khách hàng, mà còn cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến tình hình sử dụng điện của khách hàng như: Cảnh báo các trường hợp điện năng sử dụng tăng, giảm bất thường, cảnh báo các thông số vận hành về dòng điện, điện áp, hệ số công suất…
Những cảnh báo trên sẽ được tự động gửi đến khách hàng thông qua App EVNHCMC CSKH. Từ đó khách hàng có thể chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng điện được linh hoạt, hiệu quả và tiết kiệm hơn, góp phần bảo vệ môi trường và giảm chi phí kinh tế cho gia đình và xã hội.
Theo ông Bùi Trung Kiên, khi truy cập vào App EVNHCMC CSKH, tất cả các khách hàng sẽ thấy biểu đồ điện năng tiêu thụ theo ngày, khi vào mục “Xem bảng chi tiết”, khách hàng sẽ xem rõ ràng chỉ số công tơ và lượng điện năng tiêu thụ theo ngày. Qua đó giúp khách hàng nắm được ngày sử dụng cao nhất, ngày sử dụng thấp nhất để có thể điều chỉnh hành vi sử dụng điện, sử dụng điện tiết kiệm để hạn chế tối đa sử dụng điện ở các bậc thang giá điện cao (bậc thứ 5, thứ 6) để tiết kiệm chi phí sinh hoạt của gia đình.
“Ngành điện luôn kêu gọi các khách hàng đồng hành cùng ngành điện triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện sao cho việc tiết kiệm điện trở thành thói quen, xuyên suốt chứ không phải giải pháp tình thế và chỉ trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng” - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.