Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị này vừa công bố Kết luận kiểm tra số 1260/KL-SCT về việc việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, Đoàn kiểm tra của Sở Công Thương thành phố đã tiến hành kiểm tra tại 6 đơn vị hoạt động bán hàng đa cấp gồm Công ty TNHH Care For Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ; Công ty TNHH Amway Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ; Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam - Văn phòng đại diện tại Cần Thơ; Công ty TNHH Oritlame Việt Nam - Văn phòng đại diện tại Cần Thơ; Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam - Địa điểm kinh doanh tại Cần Thơ; Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam - Người đại diện tại Cần Thơ.
Một văn phòng làm việc của Care For Việt Nam - (Ảnh minh hoạ). |
Qua kiểm tra, 6 đơn vị này đều đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cụ thể, các đơn vị có quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản đã được Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) xác nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định; Cung cấp đầy đủ danh sách, hợp đồng, chứng chỉ đào tạo và thẻ thành viên của thành viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Trong quá trình kinh doanh, các đơn vị đã thực hiện việc thông báo hoạt động bán hàng đa cấp và thông báo sau khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp với Sở Công Thương TP. Cần Thơ.
Bên cạnh đó, 6 đơn vị này khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp đều thông báo đến Sở Công Thương TP. Cần Thơ. Các sản phẩm của doanh nghiệp đều được công bố tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đầy đủ theo quy định.
Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra gặp một số khó khăn trong công tác kiểm tra chủ yếu do rào cản về các quy định hiện nay.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 20 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 18/2023/NĐ-CP 28/4/2023 quy định: “Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm đầu mối làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó”.
Qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra gặp khó khăn do người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp không có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu chi tiết trong hoạt động bán hàng đa cấp; các cá nhân đến làm việc và cung cấp hồ sơ đều do doanh nghiệp cử từ trụ sở chính (Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh) nên việc cung cấp thông tin, hồ sơ pháp lý không kịp thời, dẫn đến kéo dài thời gian kiểm tra.
Ngoài ra, đối với Hợp đồng thuê khoán của doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực đa cấp, Nghị định chưa quy định rõ về mức thù lao mà doanh nghiệp phải trả cho người thực hiện hợp đồng (báo cáo viên). Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp thực hiện hợp đồng thuê khoán chỉ nêu trách nhiệm nhưng lại không nêu quyền lợi của báo cáo viên (thù lao chi trả cho báo cáo viên), điều này không những gây mất quyền lợi cho báo cáo viên (không phù hợp với Bộ Luật Dân sự 2015) mà còn gây thất thoát nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước.
Nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã chỉ đạo Phòng Quản lý thương mại đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tham mưu Ban Giám đốc kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh một số quy định hiện hành về hoạt động bán hàng đa cấp theo các khó khăn, vướng mắc nêu trên.