Tiềm ẩn nhiều rủi ro từ buôn bán thịt chó, mèo Hoàn thiện pháp luật về buôn bán thịt chó mèo để bảo vệ sức khỏe người dân |
Nhiều hệ lụy từ việc buôn bán thịt chó, mèo
Theo Tổ chức Phúc lợi động vật Toàn cầu - FOUR PAWS, mỗi năm ước tính có khoảng 10 triệu con chó và mèo bị bắt, vận chuyển và giết mổ để lấy thịt ở Campuchia, Việt Nam và Indonesia. Riêng ở Việt Nam, con số này lên tới 6 triệu con. Phần lớn trong số này là thú cưng hoặc động vật bị đánh cắp từ đường phố gây ra những hệ lụy cho xã hội. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn là những tác động đến sức khỏe, mối liên hệ giữa việc buôn bán thịt chó, mèo và bệnh dại, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh lây truyền khác. Điều này cho thấy việc buôn bán và giết mổ chó để lấy thịt, cùng với những tác động tiêu cực đến phúc lợi động vật, là rất đáng lo ngại và đang rất được quan tâm ở Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác Kỹ thuật OHP về kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật sang người, được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 1 vừa qua, ông Vũ Thanh Liêm, Trưởng Ban thư ký đối tác Khung Đối tác Một sức khoẻ (One Health Partnership - OHP) nhấn mạnh: Chúng ta cần nhìn sang các nước láng giềng như Hàn Quốc hay Campuchia, những nước có quy định nghiêm ngặt về bắt nhốt, giết mổ chó, mèo trái phép, thì tại sao Việt Nam không làm được và học hỏi theo những tiến bộ quốc tế về phúc lợi động vật nói chung và động vật đồng hành nói riêng.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế chia sẻ trong ngày Thế giới phòng chống bệnh dại: Hoạt động buôn bán, giết mổ chó mèo ở Việt Nam, và vận chuyển trái phép qua biên giới đã gây ra nhiều hệ luỵ và trở ngại cho công tác phòng chống bệnh dại trên người và động vật, cũng như việc thực hiện mục tiêu của Việt Nam phấn đấu không có ca tử vong do bệnh dại vào năm 2030. Những hoạt động buôn bán và giết mổ chó, mèo còn gây ra nguy cơ lây truyền trực tiếp và cản trở việc tiêm phòng cho chó mèo, làm suy yếu nỗ lực đạt được khả năng miễn dịch của tổng đàn chó.
Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng Chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết: Bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và các đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả số lượng lẫn tần suất trong vài thập kỷ qua như SARS-COV-1, Cúm gia cầm, Ebola và rất có thể là COVID - 19, đã cho thấy thế giới cần phải xem xét mối tương quan giữa con người, động vật và môi trường trong việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, quan trọng là cần phải coi phúc lợi động vật và con người là một phần trong các nỗ lực để ngăn chặn đại dịch tiếp theo – bởi vì đây là tác nhân chính có thể khiến các mầm bệnh mới xuất hiện và lây lan”.
Nhiều hệ lụy khác về mặt xã hội từ việc trộm cắp và buôn bán thịt chó, mèo gây tổn thương về tinh thần cho chủ vật nuôi bị đánh cắp, những vụ ẩu đả giữa chủ vật nuôi và kẻ trộm, những vụ ngộ độc bả chó…, đã được các phương tiện thông tin truyền thông cảnh báo. Trang công cụ báo cáo các hoạt động trộm cắp chó, mèo của FOUR PAWS chỉ trong 2 tháng hoạt động ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 150 báo cáo, ước tính có đến 1.737 con chó, mèo bị ảnh hưởng bởi các hình thức buôn bán dã man khác nhau.
Cuộc họp của Nhóm Công tác Kỹ thuật OHP về kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật sang người |
Từ Hàn Quốc đến Việt Nam
Hàn Quốc, quốc gia có tập tục ăn thịt chó nhiều thế kỷ, tuy nhiên điều này sẽ sớm thay đổi, khi ngày 9/1 vừa qua, Quốc hội nước này đã thông qua luật cấm giết mổ, bán thịt chó và bắt đầu thực hiện từ năm 2027. Campuchia cũng có lịch sử tiêu thụ thịt chó nhưng tháng 7 năm 2020, Siem Reap, một thành phố lớn ở Campuchia cũng đã cấm buôn bán, giết mổ chó để lấy thịt.
Sự quyết tâm loại bỏ thói quen thịt chó của Hàn quốc được thể hiện khi dự luật cấm tiêu thụ và buôn bán được thông qua, với mức phạt đến 3 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu Won (khoảng 550 triệu đồng). Mặc dù, đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới có trang trại nuôi chó, hàng năm có khoảng 2,5 triệu con chó bị giết mổ để lấy thịt. Theo khảo sát của hội Nhân đạo quốc tế có khoảng 70% người Hàn Quốc phản đối ăn thịt chó.
Tại Việt Nam, đi đầu là thành phố Hội An - Quảng Nam, khi UBND TP Hội An và FOUR PAWS ký biên bản ghi nhớ cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo trên địa bàn thành phố. Và kết quả sau 2 năm thực thi một trong 3 nhà hàng thịt chó cuối cùng đã đóng cửa, cứu sống hàng trăm con vật khỏi nạn buôn bán và tiêu thụ tại cơ sở này mỗi năm. Đây là một bước tiến tích cực của chính quyền Hội An, gây được tiếng vang và đang là nguồn cảm hứng để các địa phương khác hưởng ứng loại bỏ dần nạn buôn bán thịt chó, mèo.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An - cho rằng: Mặc dù, vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng việc đóng cửa một trong những nhà hàng cuối cùng này đánh dấu một bước tiến nữa trong việc loại bỏ dần việc buôn bán thịt chó, mèo khỏi thành phố Hội An. Còn tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác Kỹ thuật OHP, một số thành viên đề xuất xác định thêm các địa phương tiềm năng ở Việt Nam để có thể thí điểm dự án chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo.
Hiệu ứng từ Hàn Quốc, Siem Riep (Campuchia) hay Hội An – Quảng Nam trong việc nói không với thịt chó đang lan toả ngày một rộng đến các nơi vẫn còn tiêu thụ thịt chó, mèo. Điều này cho thấy, mong muốn của xã hội với xu hướng sớm loại bỏ thịt chó, mèo ra khỏi thực đơn, và chấm dứt tình trạng trộm cắp, buôn bán thịt chó, mèo.
Để thực hiện mong muốn trên, Việt Nam còn nhiều việc phải làm như ban hành quy định cấm buôn bán và tiêu thụ, hay vấn đề sinh kế cho những người kinh doanh thịt chó, mèo, duy trì và nuôi dưỡng đàn chó trong các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa, … Nhiều hình thức vận động, tuyên truyền để thay đổi tư duy người dân.
Cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo cũng như phúc lợi động vật đồng hành là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều bên, vì vậy, cần sự chung tay và nhiều giải pháp hỗ trợ từ đa ngành và các cơ quan hữu quan.