Đột phá từ chính sách
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương ông Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho việc phát triển điện năng lượng tái tạo. Cụ thể là các Quyết định 11&13 đối với điện mặt trời và Quyết định 37-39 đối với điện gió. Chính sách khuyến khích mua điện giá FIT như vậy đã tạo nên một làn sóng đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài đều rất hăng hái tham gia vào qúa trình này. Các nhà máy đưa vào vận hành đã hoạt động rất tốt và cung cấp sản lượng đáng kể cho hệ thống điện Quốc gia.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió, điện mặt trời là 20.670MW, tăng 3.420MW so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 27% trong hệ thống điện.
Sản lượng điện huy động từ điện gió, điện mặt trời năm 2021 đã đạt 29,904 tỷ kWh (gió 3.448 tỷ kWh, mặt trời 26.122 tỷ kWh). Điều này đã góp phần quan trọng cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù có bước tiến đáng kể nhưng việc phát triển nóng 2 nguồn điện này cũng đã phát sinh nhiều tồn tại như hệ thống lưới điện truyền tải không theo kịp; tính thời điểm và sự phụ thuộc thời tiết gây khó khăn cho công quán vận hành lưới điện; nhiều nhà đầu tư năng lực hạn chế dẫn đến phải chuyển nhượng, thay đổi; các quy chuẩn kỹ thuật chưa kịp hoàn thiện; chưa có hệ thống lưu trữ điện….Đối với điện mặt trời mái nhà, còn có tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi…
Sớm có cơ chế cho điện gió và mặt trời |
Những tồn tại cần tháo gỡ
Bên cạnh những vấn đề chung, đối với điện gió ông Hoàng Giang cho biết, định hướng về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã khá rõ ràng, tuy nhiên cũng còn một số khó khăn cho nhà đầu tư.
Thứ nhất, do cơ chế giá FIT khuyến khích nên nó chỉ có thời hạn nên nhiều doanh nghiệp đã không kịp triển khai, đặc biệt với các dự án điện gió do bị vướng thời gian dịch Covid-19 rất dài, rất nhiều địa phương bị phong tỏa nên không thể làm gì cả. Thứ hai, thời gian vừa qua Bộ Công Thương cũng đã có những định hướng đề xuất Chính phủ và Chính phủ đã cho những nhà đầu tư vì do dịch Covid-19 bị chậm tiến độ sẽ được xem xét thương lượng, đàm phán về mức giá điện, bảo đảm cho nhà đầu tư có đủ lợi nhuận để trả ngân hàng.
“Không bán được điện sẽ không có đầu ra, như vậy không có tiền để trả ngân hàng. Còn nếu hạ giá thấp xuống, thấp hơn chi phí đầu tư doanh nghiệp sẽ lỗ. Đây là khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải” – ông Hoàng Giang nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Niệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, cho biết, trong quá trình phát triển dự án năng lượng tái tạo mà cụ thể là điện gió, nhiều nhà đầu tư trình hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch nhưng số ít trong đó được xem xét. Mặt khác, thời điểm phê duyệt dự án khác nhau dẫn đến mỗi dự án có một đường dây truyền tải riêng, mặc dù vị trí địa lý tương đối gần nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến các quy hoạch khác như đô thị, giao thông...
Cần sớm quyết định cơ chế
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư NLTT nói chung và điện gió nói riêng, ông Hoàng Giang cho rằng, Chính phủ nên có sự quan tâm đến các nhà đầu tư đang đầu tư giữa chừng, giúp tháo gỡ khó khăn.
Liên quan đến giải pháp, ông Nguyễn Văn Niệm cho rằng, cần có quy định phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, cấp phép để phù hợp với quy mô công suất được phân bổ tương ứng với một khu vực nhất định, tránh tình trạng "da beo" trong phát triển, dành không gian để phát triển các lĩnh vực khác như khu lấn biển, công nghiệp, du lịch...
“Nếu được giao chủ động quyết định các dự án nguồn điện, trong đó có điện gió, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng lưới điện ở khu vực đó thành một hệ thống truyền tải chung, các nhà đầu tư sẽ cùng đóng góp để xây dựng, điều này vừa giúp tiết kiệm quỹ đất và kinh phí xây dựng của các chủ đầu tư, vừa ít ảnh hưởng đến các hoạt động khác” – ông Niệm đề xuất.
Ngoài các ý kiến, kiến nghị trước đây của địa phương trong Quy hoạch điện VIII (xem xét tăng cơ cấu phát triển điện gió ngoài khơi, phê duyệt các dự án tỉnh đã trình...), lãnh đạo Sở Công Thương Bến Tre cũng kiến nghị cần có cơ chế để khuyến khích xã hội hóa đường dây truyền tải điện, khuyến khích cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế tích trữ năng lượng... để tiến tới việc chủ động nguồn cung, hiện đại hóa năng lượng trong tương lai, tránh phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nước ngoài.