Lễ ký kết hợp đồng mua bán điện |
Tham dự lễ ký kết có đại diện lãnh đạo hai công ty, đại diện Đại sứ quán Ấn độ tại Việt Nam và các bên liên quan.
Nội dung hợp đồng được căn cứ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời chính thức có hiệu lực. Theo đó, các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.
Nhà máy điện mặt trời SP Infra 1 có tổng mức đầu tư khoảng1.633 tỷ đồng tỷ đồng, được đầu tư Ninh Phước – Ninh Thuận trên diện tích 58,7 ha ha. Tổng công suất lắp đặt của nhà máy là 50 MW. Quy mô xây dựng: Nhà điều hành, tấm pin mặt trời, đường nội bộ, đường dây đấu nối và trạm biến áp. Dự kiến khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 83 triệu kWh/năm.
Đại diện Công ty TNHH Tài chính hạ tầng Shapoorji Pallonji cho biết, hiện đơn vị đang chuẩn bị các bước để đầu tư, phấn đấu đưa dự án vào vận hành thương mại vào ngày 30/5/2019.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Danh Sơn Giám đốc Công ty mua bán điện gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới đối tác và cho biết đây là dự án điện mặt trời đầu tiên được ký kết cho đến nay. Trong quá trình hoạt động, sẽ phát sinh sóng hài và các yếu tố kỹ thuật khác, vì vậy nhà đầu tư cần có những nghiên cứu đưa ra giải pháp cụ thể và phối hợp chặt chẽ với EVN để vận hành hệ thống an toàn.
Được biết, tại Ninh Thuận đã có 27 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với tổng công suất 2.680 MW. Trong đó, có 15 dự án điện mặt trời, tổng công suất 1.848 MW, diện tích khảo sát thực hiện là 3.419 ha; 12 dự án điện gió, tổng công suất 1.012 MW, tổng diện tích khảo sát thực hiện khoảng 8.047 ha.
Việc sớm triển khai dự án sẽ khai thác hết được tiềm năng năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như đạt được mục tiêu đề ra về phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ.